ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH HÀNG KHÔNG NỘI ĐỊA: BẢO ĐẢM CÓ SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC, MANG LẠI LỢI ÍCH TỐT NHẤT CHO NGƯỜI DÂN

05/06/2023

Một trong những nội dung của dự án Luật Giá (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận hội trường tại Kỳ họp 5 vừa qua là việc định giá của Nhà nước đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật này, nhiều ý kiến nhất trí với việc cần quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, tuy nhiên đối với việc có quy định giá sàn còn nhiều ý kiến khác nhau.

ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14

Toàn cảnh phiên họp

Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể hội trường ngày 23/5, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Trong đó có ý kiến đề nghị bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như dự thảo là Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích Nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội; có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cần có giải trình thuyết phục, lập luận rõ ràng, đầy đủ căn cứ và có đánh giá tác động toàn diện, khách quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai trao đổi tại phiên họp

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có điều kiện như các nước về sự đa dạng và phổ biến của các phương tiện giao thông, hàng không vẫn giữ độc quyền một cách ngẫu nhiên. Do vậy, việc giữ quy định giá trần đối với giá vé máy bay hàng không nội địa thời điểm này là cần thiết. Trong tương lai, khi nhiều loại hình giao thông khác như đường sắt cao tốc phát triển, áp lực đối với việc di chuyển bằng hàng không giảm xuống, từ đó chia sẻ thị phần giao thông tốt hơn. Lúc đó mới nên bỏ khung giá để tăng tính cạnh tranh giữa các loại hình vận tải.

Lý giải có đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định giá trần, bỏ giả sàn được áp dụng cho tất cả các hãng hàng không sẽ tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh theo quy định tại Luật Cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; qua đó giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đồng thời, việc tiếp tục định giá mặt hàng này theo hình thức giá tối đa cũng không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, về giá dịch vụ hàng không, ở nước ta hiện nay cạnh tranh về giá cả dịch vụ chủ yếu là giữa các hãng hàng không với nhau. Do đó, cần phát huy hiệu quả của Luật Cạnh tranh để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Trong bối cảnh chưa có cạnh tranh giữa hàng không với các phương tiện vận chuyển khác như đường sắt cao tốc nên cần giữ giá trần, và không cần thiết quy định giá sàn. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng có thể mạnh dạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án bỏ cả giá trần và giá sàn. Điều này hướng đến mục tiêu thúc đẩy sớm có các phương tiện khác để cạnh tranh lành mạnh.

Liên quan đến nội dung này, cơ quan soạn thảo cho rằng việc giữ giá trần vé máy bay nhằm đảm bảo có sự quản lý của nhà nước với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện tại, để nhiều người dân tiếp cận dịch vụ với mức giá phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu rõ với mục tiêu xây dựng chính sách là để người dân được tiếp cận với dịch vụ hàng không nhiều hơn, tốt hơn với giá rẻ hơn, cũng như các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, Ban soạn thảo đã quy định đưa ra giá trần. Đồng thời làm rõ, trong bối cảnh của nước ta hiện nay, nếu bỏ giá trần khi các doanh nghiệp cùng đẩy giá thì Nhà nước lại không có công cụ điều tiết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc quy định giá trần, bỏ giá sàn chưa được giải trình làm rõ một cách thuyết phục, chưa làm rõ được đây là dịch vụ thiết yếu, nhất là khi so sánh với loại hình vận tải khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà dẫn chứng, nếu giá dịch vụ hàng không đắt quá thì người dân có thể đi đường bộ, đường sắt hoặc đường biển. Đồng thời cần có lập luận thuyết phục giải thích cho ý kiến so sánh với các phương thức khác như đường sắt cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhưng không quy định giá trần, giá sàn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Văn Chi cho rằng nội dung này cần có thêm trao đổi với các đối tượng chịu sự tác động và mong muốn cùng có trao đổi với các đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về nội dung này để đi đến thống nhất.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu

Ngoài ra, cũng tại phiên họp, các đại biểu quan tâm đến việc định giá sách giáo khoa. Có ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa. Theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Khóa 14 đến nay nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này nhằm bảo về lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản. Sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng ra rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, điều tiết giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức