ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: LẤY Ý KIẾN VÀO CÁC DỰ ÁN LUẬT NÊN TỔ CHỨC CÀNG SỚM, CÀNG RỘNG, CÀNG TỐT

30/05/2023

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận ngày 23/5 ở Hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng việc lấy ý kiến vào các Dự án Luật nên tổ chức càng sớm, càng rộng, càng tốt. Đồng thời, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng của Dự án Luật Chuyển đổi giới tính

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định công tác xây dựng luật pháp của Quốc hội rất là quan trọng. Đóng góp ý kiến cụ thể vào Dự án Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu phân tích, sau một thời gian, chúng ta đứng giữa ngã 2 đường, một đằng là giữa truyền thống văn hóa rất nề nếp của xã hội Việt Nam và một đằng chúng ta phải thực hiện những quy định trong Chương II Hiến pháp về quyền con người. Có thể nói Dự án Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí xây dựng lần này là một bước tiến rất dũng cảm và rất văn minh.

Sau khi đọc báo cáo đánh giá tác động số 32 ngày 24/4/2023 của đại biểu, đại biểu hoàn toàn nhất trí rằng chúng ta có đầy đủ các cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính này. Tuy nhiên, khi đọc Tờ trình số 35 của đại biểu Quốc hội ngày 25/4/2023, có thu gọn phạm vi điều chỉnh. Nếu khi thu gọn phạm vi điều chỉnh này, chỉ tập trung vào 2 đối tượng là nam và nữ và chỉ tập trung vào vấn đề chuyển đổi giới tính, tôi thấy một số đối tượng trong cộng đồng LGBT chưa được quan tâm, ví dụ như là song giới, đồng giới.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Đại biểu cho biết, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các phản ánh xã hội thì thấy rằng cộng đồng LGBT của Việt Nam chưa thực sự được quan tâm đúng mức như là với các cộng đồng LGBT của các nước trong khu vực và trên thế giới và việc này không phải chỉ có vấn đề là chúng ta chưa thực hiện triệt để về các quy định trong Hiến pháp về quyền con người mà có thể nó sẽ gây thêm các hệ lụy khác. Ví dụ, những người đồng giới, song giới, những người trong cộng đồng LGBT vẫn còn bị kỳ thị. Nghĩa là người ta vẫn chưa có thể phát huy hết khả năng, trí tuệ của người ta trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày của họ và đấy là một hình thức kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, khi nghiên cứu cụ thể về vấn đề bạo lực học đường, đa số chúng ta nhìn thấy ở lứa tuổi từ cấp 2 đến cấp 3, khi giới bắt đầu hình thành và không biết có bao nhiêu nghiên cứu có thể xem xét rằng các việc bạo lực học đường liên quan đến vấn đề giới tính và trong đó có đồng giới. Đại biểu nhận thấy nếu chúng ta nghiên cứu kỹ vấn đề này và đưa vào luật, đưa vào trong các giáo trình học phổ thông thì có lẽ khi các em lớn lên các em đã biết ý thức rất rõ về giới tính của mình và không bị bỡ ngỡ. Có nhiều trường hợp rất đáng thương, các em thậm chí không phải chỉ đánh nhau trong học đường mà còn tự tử vì không nhận thức được vấn đề về giới. Đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật chung cho cộng đồng LGBT.

Lấy ý kiến vào các Dự án Luật nên tổ chức càng sớm, càng rộng, càng tốt

Đưa ra quan điểm về việc lấy ý kiến vào các Dự án Luật, đại biểu cho biết, vừa rồi trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chúng ta lấy ý kiến rất rộng rãi, đông đảo, nhưng cũng có cử tri vẫn băn khoăn nếu bây giờ muốn đóng góp ý kiến và luật thì đóng góp qua đâu. Như vậy có thể thấy, mặc dù chúng ta đã lấy ý kiến rất rộng rãi như Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà vẫn còn có cử tri chưa biết đóng góp vào đâu. Vậy, có những luật chúng ta không lấy ý kiến rộng rãi như luật này thì còn nhiều ý kiến chưa được nêu.

Theo đại biểu, những đối tượng bị điều chỉnh trong luật nên được tham gia ý kiến. Cộng đồng nên được tham gia sâu hơn nữa vào quá trình soạn thảo luật chứ không phải chỉ đến lúc thẩm tra luật, trong thời gian rất ngắn mới được tham gia ý kiến. Có những luật mang tính chuyên ngành cao mà phải đóng góp ý kiến trong thời gian ngắn thì chất lượng đảm bảo cho luật không thể nào thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận 19 Bộ Chính trị. Do đó, đại biểu cho rằng nên lấy ý kiến góp ý vào các Dự án Luật càng sớm, càng rộng, càng tốt.

Liên quan đến vấn đề về biên soạn luật, đại biểu cho biết, hiện nay việc biên soạn luật của chúng ta thì các luật sửa đổi rất dễ theo dõi, khi chúng ta đọc một số những văn bản sau khi sửa đổi thì đó là văn bản cuối cùng, nhưng có một số luật sửa đổi một số điều của luật hay có một số luật bị điều chỉnh bởi các luật khác. Như Luật Quy hoạch ra đời điều chỉnh 37 luật thì để xem một luật chúng ta phải tham chiếu đến rất nhiều các luật khác, ví dụ văn bản là luật gốc, luật sửa đổi, điều chỉnh bởi luật khác, luật sửa đổi điều này…

Đại biểu chỉ ra rằng, có thể các cơ quan chuyên nghiên cứu về luật có thể theo dõi rất dễ, nhưng đối với Nhân dân, đối với cộng đồng, với doanh nghiệp mà theo dõi luật như thế thì rất khó. Như vậy, nên chăng Quốc hội xem xét có nên đưa ra một quy định sau khi có một luật nào đó bị điều chỉnh bởi luật khác, hay có một luật sửa đổi một số điều thì sau đó phải có một cơ quan biên soạn lại bộ cuối cùng, cập nhật mới nhất về văn bản luật đấy, như vậy dễ theo dõi hơn, tránh tình trạng hiện nay nếu chúng ta vào mạng Google xem các luật thì trong thư viện có những dòng bôi vàng "luật này đã được sửa" hoặc "dòng này đã được sửa" thì sẽ rất khó theo dõi cho người đọc.

Minh Hùng