TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Y tế cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức
Tham gia thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cơ bản tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời cho biết, Đảng ta đã xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội. Chủ trương này của Đảng đã được chỉ ra tại một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như Nghị quyết số 4 ngày 14/1/1993 của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chỉ thị số 06 ngày 22/1/2022 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Nghị quyết số 46 ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm đột phá về đổi mới tài chính y tế là xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa VII về tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định: "Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng thời, thực hiện giải pháp đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân trực tiếp là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân và nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế, chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng. Điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe.
Đại biểu cũng cho biết, các bệnh viện tuyến trên lại tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó mà được cải thiện. Bên cạnh đó, nhân lực y tế, vấn đề được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển y tế của tuyến cơ sở là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh luôn theo sát người dân nhất, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, người dân, thực hiện nhiệm vụ quản lý và theo dõi người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn còn rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đến thời điểm hiện nay có 11% số trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm.
Toàn cảnh phiên họp
Do đó, ngành y tế đã phải có giải pháp là cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ tăng cường và làm việc, nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa nhiều khu chung cư mật độ dân số cao, có trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ trên một trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đảm bảo cho tối đa từ 13.000 đến 15 ngàn dân, trên 15 ngàn dân sẽ quá tải, chưa kể những lúc dịch bệnh xuất hiện có tính chất lây lan nhanh. Theo đó định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới
Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng. Khi tham gia các hoạt động phòng, chống dịch được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2 đến 3 triệu đồng một tháng.
Đại biểu nêu rõ, ngày 5/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới. Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát chưa đề cập đến quyết định này. Quyết định 2348 đặt mục tiêu đến năm 2025 100% số trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật dịch vụ của tuyến xã, 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật y tế của tuyến huyện, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe và thời gian thực hiện đề án từ năm 2016 đến năm 2025.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 1379 ngày 19/12/2017 về triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348, sau 5 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả so với mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2348, cụ thể như sau:
Theo báo cáo, Phụ lục số 10 khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật tại y tế cơ sở, kèm theo Báo cáo số 445 báo cáo của Đoàn giám sát, tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lần lượt qua các năm: Từ 2018 đến 2022 là 95%, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 2348. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật tại y tế cơ sở còn chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Cụ thể như sau: Chỉ có 26,54 số trạm, trung tâm y tế xã đạt 80% danh mục theo quy định; 54% đạt từ 50 đến dưới 80% và 21,58% số trung tâm y tế xã đạt dưới 50% danh mục kỹ thuật của tuyến xã, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra tại Quyết định 2348 là "đến năm 2020 có 90% trung tâm y tế xã đạt được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã".
Để đạt được mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2348 trong thời gian còn lại của đề án là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực và nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở, tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 2348 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới, nhằm phát huy tối đa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trước hết, trên hết.