THẢO LUẬN TỔ 10: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH NGƯỜI ĐƯỢC BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM TRÌNH BÀY Ý KIẾN TRƯỚC QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

30/05/2023

Chiều ngày 30/5, thảo luận tại Tổ 10 về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung đã nêu trong Tờ trình và báo cáo Thẩm tra; đồng thời góp ý về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, các hành vi bị cấm...

THẢO LUẬN TỔ 10: QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRONG LUẬT VỀ TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC KHI XÉT THĂNG BẬC HÀM TRONG NGÀNH CÔNG AN

Cho ý kiến về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND, quy định tại Điều 2, đa số đại biểu tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là phù hợp với thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 06 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để bảo đảm chặt chẽ.

Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị quy định rõ, trong thời gian được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đến khi khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm, nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ sở y tế từ 6 tháng trở lên, để đảm bảo thống nhất.

Cũng liên quan đến phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể hơn về về lý do dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, như Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng Ban của HĐND, Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị xem xét bổ sung đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là Phó trưởng ban của các ban của Hội đồng nhân dân. Đây là những chức danh do Hội đồng nhân dân bầu, hơn nữa thực tế có địa phương đang bố trí Trưởng ban Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm, còn Phó ban hoạt động chuyên trách.

Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 13 quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”. Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị ban soạn thảo thống nhất theo tỷ lệ phần trăm để đảm bảo thống nhất và đồng bộ. Đại biểu cũng đề nghị thống nhất quy định cách tính tỷ lệ phiếu về số đại biểu được triệu tập hay đại biểu tham gia có mặt bỏ phiếu, tránh sự lúng túng và tạo sự thống nhất khi thống kê.

Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Về việc sửa đổi các quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến đồng tình với quy định trong dự thảo, vì Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận tại các địa phương này không phải do HĐND bầu mà là do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm. Quy định như vậy cũng nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND theo Quy định số 96-QĐ/TW.

Đối với quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại các điều 10, 11, 15 và 16, nhiều ý kiến thống nhất với dự thảo Nghị quyết nhưng đề nghị để người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND (nếu muốn), để bảo đảm quyền được giải trình của họ cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy cũng bảo đảm sự tương đồng với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Đối với người có tín nhiệm thấp sẽ được người có thẩm quyền đề xuất Quốc hội, Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định nếu các trường hợp này xin từ chức, không tiến hành các bước miễn nhiệm theo quy trình, để đảm bảo tính nhân văn trong công tác cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại Điều 6, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nội dung nhất quán của Đảng và Nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật; đây cũng là yêu cầu quan trọng đối với những người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Nghị quyết quy định lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ… Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi hứa hẹn thăng cấp, thăng chức vụ, điều chuyển sang các vị trí cao hơn vào dự thảo Nghị quyết.

Theo chương trình kỳ họp, ngày 9/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Lan Hương - Nghĩa Đức