HOÀN THIỆN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI TỔ HỢP TÁC

25/05/2023

Chiều 25/5, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Dự án Luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Quan tâm đến việc phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với tổ hợp tác.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Tại phiên họp toàn thể, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”.

Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự, nên dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác không trái với quy định của Bộ luật Dân sự như khái niệm về tổ hợp tác, thành lập và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác, việc chuyển đổi tổ hợp tác thành HTX và chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX. Do tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác nên đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân và phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự; khi tổ hợp tác tham gia ký kết với các tổ chức kinh tế khác thì tổ hợp tác sẽ cử người đại diện theo pháp luật tham gia ký kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội như HTX. Thực tế hiện nay số lượng tổ hợp tác tại các địa phương rất lớn, tại nhiều địa phương có đến hàng nghìn tổ hợp tác; nhiều tổ hợp tác có số thành viên lên đến hàng trăm người, có góp vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác.

Nhiều tổ hợp tác không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; không có số liệu, không có thông tin đầy đủ về tổ hợp tác dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và khó khăn trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác cũng như thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho tổ hợp tác phát triển lên các tổ chức cao hơn như HTX.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 107 theo hướng tổ hợp tác khi có góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; khuyến khích tổ hợp tác khác đăng ký. Một trong những tiêu chí để tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước cũng như để tổ hợp tác được chuyển đổi thành HTX là phải có Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác. Quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.

Toàn cảnh phiên họp

Theo dõi quá trình xây dựng luật và có những nghiên cứu chuyên môn về lĩnh vực này, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp cho biết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp nông thôn là một hình thức kinh tế hợp tác không có tư cách pháp nhân, hoạt động theo Luật dân sự và Luật hợp đồng kinh tế. Hiện tổ hợp tác hoạt động theo hướng dẫn của Nghị định 77/2019/ NĐ-CP thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

Tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của tổ hợp tác và thi hành Nghị định 151/2007/NĐ-CP của 50/63 tỉnh, thành phố, hiện có 78.306 tổ hợp tác, trong đó có 36.104 tổ hợp tác có chứng thực ở cấp xã (chiếm khoảng 46,1% tổng số tổ hợp tác), 2.930 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7% tổng số tổ hợp tác) và 191 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã), chiếm 0,2% tổng số tổ hợp tác. Cuối 2022, có 31.500 tổ hợp tác nông nghiệp, trung bình 16 thành viên/tổ hợp tác. Khu vực tổ hợp tác thu hút 1.285.106 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1.091.015 lao động, doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, tổ hợp tác với tư cách là tổ chức trung gian, kết nối giữa các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trước khi phát triển lên thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, là hình thức sản xuất rất phù hợp với tình hình và điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp

Đây là mô hình hợp tác không quá phức tạp, quy mô không lớn; là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tự nguyện; được hình thành trên cơ sở nhu cầu của các hộ kinh tế cá thể và người lao động; thuận tiện trong việc liên kết, hợp tác với các thành viên và đủ điều kiện để áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; phù hợp với xu hướng phát triển chung; là tiền đề và là cơ sở cho phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết, hình thức hợp tác giản đơn giữa các nhà sản xuất nhỏ như tổ hợp tác đặc biệt thích hợp với trình độ phát triển hiện nay ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế do đáp ứng nguyện vọng của nông dân, bước đầu đã khắc phục được những khó khăn của từng hộ nông dân riêng lẻ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên; góp phần nâng cao năng lực của kinh tế hộ, giúp các hộ sử dụng có hiệu quả hơn về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn; thực hiện nhiệm vụ đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật và trung gian trong liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp trong thực hiện cánh đồng lớn, hợp đồng xuất khẩu, xây dựng mã vùng trồng, chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc v.v.

Theo kinh nghiệm của một số nước, có thể có một con đường khác là Tổ hợp tác được coi là hình thức tiền HTX để là đối tượng được chính sách nhà nước bồi dưỡng, đào tạo để phát triển thành HTX đối với các tổ hợp tác có nguyện vọng. Việc xây dựng HTX là một quá trình lâu dài và phức tạp, không thể từ chỗ chưa có gì bước ngay lên các hình thức tổ chức cao như hợp tác xã. Không phải tất cả các tổ hợp tác đều muốn phát triển lên thành HTX.

Một số nước đều có hệ thống đào tạo bồi dưỡng HTX và cán bộ HTX. Các hình thức tổ hợp tác có thể coi là các hình thức tiền HTX nếu họ có nhu cầu. Vì vậy cần bồi dưỡng các tổ hợp tác có nhu cầu muốn phát triển thành HTX và cho đăng ký dưới dạng tổ hợp tác tiền HTX. Còn lại không nên bắt buộc đăng ký chính thức đối với toàn bộ các tổ hợp tác sẽ có nguy cơ làm giảm sự năng động của khu vực này.

Trên thực tế, PGS.TS Đào Thế Anh cho biết, tổ hợp tác cần sự đơn giản thuận tiện về thủ tục hành chính. Nếu quy định phức tạp quá về đăng ký có thể nông dân sẽ chuyển sang các hình thức khác không phải đăng ký như nhóm sở thích, câu lạc bộ... đã tồn tại từ lâu, như vậy thủ tục hành chính lại là rào cản. Nghị định 151 đã quy định chứng thực hợp đồng hợp tác ở cấp xã, tuy nhiên chỉ thực hiện được với 46% tổ hợp tác. Nghị định 77 (2019) đã bỏ quy định về chứng thực để đơn giản hoá thủ tục. Trên thực tế tổ hợp tác cũng chỉ nhận được sự hỗ trợ của nhà nước thông qua một số dự án ODA phát triển ưu tiên tiếp cận tổ hợp tác như IFAD và các tổ chức phi chính phủ. Trong các tiêu chí của Nông thôn mới chưa thừa nhận tổ hợp tác là tổ chức kinh tế tập thể.

Hiện nay để làm đơn giản hoá thủ tục hành chính, PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng, có thể cho phép tổ hợp tác có nguyện vọng đăng ký kinh doanh để trở thành tổ chức tiền HTX tại cổng dịch vụ công cấp xã. Luật HTX chỉ điều chỉnh các tổ hợp tác là tổ chức tiền HTX có đăng ký, các tổ hợp tác còn lại hoạt động theo Luật dân sự và Nghị định 77.

Trong Luật này, PGS.TS Đào Thế Anh đề nghị bổ sung vào Điều 4 nối dung khái niệm tổ hợp tác trong Luật HTX này là tổ chức tổ hợp tác tiền HTX. Chương IX, điều 106, điểm 2 cần có quy định tổ hợp tác có nguyện vọng trở thành tổ chức tổ hợp tác tiền HTX cần phải đăng ký kinh doanh khi, phải có ít nhất 07 thành viên, thành viên góp vốn và có hợp đồng hợp tác có thời hạn 1 năm trở lên (06 tháng quá ngắn đối với nông nghiệp). Chương IX, điều 108 cần có nội dung về Chuyển đổi tổ hợp tác tiền HTX thành HTX. Đồng thời, cần có chính sách chuyển đổi tổ hợp tác tiền HTX thành HTX. Nhà nước cần có chính sách đào tạo, tư vấn chuyển đổi HTX với các tổ hợp tác tiền HTX. Các tổ hợp tác tiền HTX được hưởng các chính sách khác của nhà nước liên quan đến kinh tế tập thể.

Minh Hùng