ĐBQH NGUYỄN VĂN HUY: THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM LẬP PHÁP CHỦ ĐỘNG, VÀO CUỘC TỪ SỚM, TỪ XA

25/05/2023

Thảo luận tại Hội trường ngày 23/5, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023. Đồng thời đề đề nghị thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thống nhất Quốc hội xem xét cho ý kiến 6 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6

Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thống nhất với đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Theo đại biểu, thực chất, Quốc hội đã sắp xếp thời gian để xem xét nội dung này khi đã thống nhất thông qua về chương trình tại phiên trù bị. Thống nhất Quốc hội xem xét cho ý kiến 6 dự án luật tại kỳ họp thứ 6. Đại biểu cũng cơ bản thống nhất với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các nhiệm vụ lập pháp được dự kiến thực hiện tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, như Tờ trình số 476 và dự thảo nghị quyết đã đề cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy phân tích, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa đã thông qua số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết với con số cụ thể là 15 luật 21 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến với 7 dự án luật khác và kết quả này đã góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện, đồng bộ thể chế.

Tuy nhiên, qua thực tế công tác lập pháp trong thời gian qua, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần xem xét, bổ sung nhiệm vụ xây dựng luật để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Hiện trong dự thảo nghị quyết thì mới chỉ có 2 nhiệm vụ là dự án Luật Chuyển đổi giới tính và dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được đề nghị đưa vào trong chương trình kỳ họp thứ 8 để Quốc hội cho ý kiến và thông qua năm 2025.

Theo đại biểu đây cũng là hạn chế đã được chỉ ra trong công tác xây dựng pháp luật do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tính dự báo gối đầu của chương trình còn thấp. Ví dụ, như khi lập dự kiến chương trình năm 2023 thì cũng chỉ có 2 dự án luật được đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6 để Quốc hội cho ý kiến và tiếp tục gối đầu sang năm 2024, nhưng tại kỳ họp lần này thì cũng đã được điều chỉnh, đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua 9 luật và 1 nghị quyết.

Nỗ lực thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành được nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh; tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng. Một số quy định có tính khả thi không cao, phải điều chỉnh sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Điều đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật chậm đi vào đời sống. Trong áp dụng thực thi lại tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến một thực trạng khác là địa phương thì ra văn bản hỏi bộ thì bộ trả lời đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, như trong Báo cáo số 1878 thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 cũng đã nêu về nội dung này.

Toàn cảnh phiên họp

Thực tiễn cho thấy, cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện thì đem lại nhiều kết quả rất khác nhau. Từ hạn chế nêu trên sẽ dẫn đến những sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật và đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, tệ tham nhũng, lãng phí.

Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc xây dựng chính sách pháp luật của các dự án luật phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất và từ đó thì có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81 là rất lớn, chưa kể đến việc có thể còn phải bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo các yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì chỉ còn quỹ thời gian là 2 kỳ họp Quốc hội năm 2025. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể hoàn thành cơ bản chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Cùng với đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa, cần lập chương trình xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh song hành với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Ngoài ra, theo đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường việc giải thích pháp luật, bảo đảm cho các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Có như vậy mới có thể góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, Nhân dân và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đời sống đặt ra.

Minh Hùng