KIÊN TRÌ, KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC GẮN VỚI XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN LUẬT PHÁP

18/05/2023

Qua theo dõi bài phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri kỳ vọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục thực hiện với tinh thần kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC: CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC - TRÊN DƯỚI ĐỒNG LÒNG, DỌC NGANG THÔNG SUỐT

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, ngày 17/5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp và bế mạc.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để cụ thể hoá thành các chương trình làm việc hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần, và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. 

Nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực công tác này như: Ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống "tiêu cực", trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề. 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII.

Đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh để từng bước tiến tới: "không dám", "không thể", "không muốn", "không cần" tham nhũng. 

Việc kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, cải cách hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có nhiều tiến bộ.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đến nay có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. 

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Nêu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là đấu tranh với cái xấu trong mỗi người chúng ta.

Theo dõi bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thời gian qua với sự chỉ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và với sáng kiến thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã có một bước tiến lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn, cực kỳ phức tạp, “bởi ta đấu tranh với cái xấu trong mỗi người chúng ta, đấu tranh với cái xấu xuất hiện trong Đảng ta nên đòi hỏi có sự quyết tâm và biện pháp phù hợp”.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc cho biết, trong đầu đề cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu câu nói của Bác Hồ: “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm 20”, đã thể hiện rõ sự kiên trì, quyết tâm để có được kết quả như ngày hôm nay. Nếu không kiên trì rất dễ buông xuôi và thực tế cũng đã chứng minh không có kiên trì trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì không thể có được kết quả như ngày nay.

Với sự kiên trì của đồng chí Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị, chúng ta đấu tranh từng bước để biến cái không thể thành cái có thể và với biện pháp thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chúng ta đã có thắng lợi rất lớn. Đó là tình trạng tham nhũng từng bước được đẩy lùi và càng về sau tham nhũng càng được đẩy lùi nhanh hơn, khôi phục được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Còn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng bởi dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kiên trì, kiên quyết của Đảng trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu đạt được kết quả quan trọng. Thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua tiếp tục làm rõ mục tiêu là làm cho bộ máy của Đảng, Nhà nước, của tất cả các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh. Nếu không kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua thì đất nước không có được thành tựu, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được thành tựu ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là chống tham nhũng, tiêu cực thành công, đẩy lùi những yếu kém, hạn chế để ổn định chính trị, tình hình kinh tế-xã hội phát triển.

Kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những khẳng định ý chí, quyết tâm, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước, mà còn củng cố niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân. Từ thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta có quyền hy vọng trong thời gian sắp tới, chủ trương mà Tổng Bí thư đã khởi xướng, đó là kiên trì, kiên quyết, với những giải pháp tích cực hơn, hiệu quả hơn sẽ nhanh chóng đẩy lùi hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

“Tôi cũng cảm thấy buồn vì trong thời gian qua, số cán bộ bị xử lý khá nhiều ở tất cả các cấp, các lĩnh vực hoạt động, có cả cán bộ cao cấp. Tôi hy vọng sắp tới, các đồng chí lãnh đạo cấp chiến lược sẽ không sai phạm, bởi ở các chức vụ càng cao, những sai phạm có tác động tiêu cực càng lớn. Tôi cho rằng, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương  khóa XII về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước Nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc hy vọng sắp tới các đồng chí đảng viên, cán bộ quản lý, nhất là cán bộ cấp cao, cấp bộ cấp chiến lược cần đề cao trách nhiệm, đạo đức, phẩm chất, trách nhiệm nêu gương như Bác Hồ đã từng căn dặn: Đảng viên phải đi trước, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Qua theo dõi bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7) khóa XIII, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kỳ vọng sắp tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục thực hiện theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, với tinh thần kiên trì, kiên quyết và có những giải pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa.

Một trong những giải pháp ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực được GS.TS Nguyễn Trọng Phúc đề cập đó là cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp; người được giáo dục phải chấp nhận sự giáo dục thì mới trở thành nhà lãnh đạo có uy tín, có trách nhiệm và xứng đáng với Đảng, với Nhân dân. Đồng thời, phải hết sức chú ý đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, khi đó cần có những người lãnh đạo, quản lý phải có “linh khiếu chính trị”, có “linh cảm đặc biệt” để đưa ra các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn từ sớm, từ xa; phòng ngừa là chính.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách pháp luật, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện để trục lợi, dẫn tới các vụ tham nhũng lớn, tham nhũng có hệ thống.  “Tôi mong muốn trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục tập trung trí tuệ sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kiến nghị./.

Lan Hương