SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHẬN THỨC VÀ KHÁI NIỆM

18/05/2023

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về nhận thức và khái niệm trong luật. Đồng thời, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản dưới luật cũng cần đưa ra bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai.

PGS.TS DƯƠNG ĐĂNG HUỆ: KIẾN NGHỊ 03 VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần 2 sau khi Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và lấy ý kiến Nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 164/CĐ-TTg về việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) căn bản đáp ứng được “ý Đảng, lòng dân” thể hiện qua việc dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18, 19, 20 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 và đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều, nhiều nội dung theo các góp ý của người dân, doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý và quản trị đất đai; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất.

Với mong muốn dự thảo luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ một số vấn đề về nhận thức và khái niệm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, về giải thích từ ngữ (Điều 3), GS.TS Trần Đức Viên dẫn chứng tần suất xuất hiện hai từ “đất” (4.655/80.381 lần) và “đất đai” (494/80.381 lần) khá lớn, nên cân nhắc bổ sung hai khái niệm này. để tránh nhầm lẫn vì về bản chất “đất” và “đất đai” là khác nhau. Tương tự như vậy, từ “nhà nước” xuất hiện với tần suất 627/80.381 lần, cũng nên được giải thích “nhà nước” cụ thể trong ngữ cảnh của Luật Đất đai nghĩa là gì, để toàn dân đều có thể hiểu đúng và cán bộ thừa hành công vụ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Với khái niệm “toàn dân”, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng toàn dân có nghĩa là phải có “dân” trong đó, quyền của họ ở đâu và đến đâu trong việc quyết định số phận và giá cả tài nguyên đất “toàn dân” và mảnh đất họ đang được giao quyền sử dụng. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ quyền của Nhà nước như thế nào, quyền của cộng đồng dân cư địa phương nơi có đất như thế nào, quyền của những người đang sử dụng đất như thế nào?

Thêm nữa, theo hiến định, “toàn dân” mới là chủ thể nắm quyền sở hữu đất đai, không phải “nhà nước”, nhà nước chỉ được trao quyền quản lý, các khế ước xã hội về việc trao quyền này, cần được thể hiện rõ trong dự thảo luật như thế nào? Hơn nữa, có một thực tế là, có một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền khi nói đến “quản lý” thường nghĩ ngay tới công cụ hành chính mà không hiểu “quản lý nhà nước” còn bao gồm cả quyền lập pháp và tư pháp; và khi thực thi công vụ, họ phải hiểu là họ đang đứng trước Nhân dân, một bộ phận của “toàn dân”, để có thái độ và cách ứng xử phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, “quyền sở hữu” hay “quyền sử dụng” không mấy quan trọng, đó chỉ là vấn đề từ ngữ, đó chỉ là khái niệm; và vì thế, phần nhiều mang tính biểu tượng. Vấn đề là hiệu quả sử dụng đất cao và xã hội ổn định. Nhưng thực tế trong nhiều năm qua, hiệu quả sử dụng đất không cao và xã hội có nhiều bất ổn có nguyên do từ quản lý đất đai. Hơn nữa, tính chính danh rất quan trọng, danh chính thì ngôn thuận, nên các khái niệm dù là nhỏ nhất vẫn cần phải được xã hội thông hiểu rõ ràng, được cuộc sống chấp nhận, để được toàn dân hiểu đúng và làm đúng.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản dưới Luật cần đưa ra được một bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai.

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, bản chất quyền sở hữu đất đai chính là nền tảng hoạch định chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Để hiểu rõ khái niệm này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định rõ ràng và thuyết phục về nhà nước trung ương được làm những gì và không được làm những gì; chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã được làm những gì và không được làm những gì; cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường và cấp dưới của cơ quan này) được làm những gì và không được làm những gì; và quyền của người dân đến đâu?

GS.TS Trần Đức Viên cũng kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ “quyền tài sản” và “được pháp luật bảo hộ” về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế (theo Hiến pháp năm 2013) để đạt được sự thông hiểu và đồng thuận của toàn dân, của xã hội.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai cần phân định rạch ròi giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng công vụ của các nhiệm vụ cụ thể, hai việc này phải tách bạch và độc lập (tương đối) với nhau, không thể để cùng một cơ quan quản lý nhà nước về đất đai vừa đá bóng vừa thổi còi. “Các vụ vi phạm luật pháp về quản lý đất đai chủ yếu do người dân và báo chí phát hiện, không từ các cơ quan chức năng nhà nước. Sự thiếu rõ ràng của chức năng quản lý nhà nước và chức năng công vụ của cơ quan và cá nhân thừa hành là một trong các nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, vi phạm và bất ổn xã hội có liên quan đến đất đai”, GS.TS Trần Đức Viên nêu quan điểm.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản dưới Luật cũng cần phải đưa ra được một bộ nguyên tắc thống nhất, công bằng và minh bạch về quyền tiếp cận đất đai. Nếu có một bộ nguyên tắc được áp dụng thì ít nhất các quyền sử dụng đất, các điều kiện trong việc chuyển giao các quyền này và cơ chế giải quyết các xung đột sẽ được đảm bảo nhất quán như nhau giữa những người có quyền sử dụng đất, theo một quy trình cho trước và được thực hiện một cách công bằng, minh bạch và không thể thiên vị, diễn giải sai lệch.

Lan Hương