HOÀN THIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC LÀM, TRÁNH BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH VÀ ĐỐI PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG GIÀ HÓA DÂN SỐ

18/05/2023

Theo các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, cùng với Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thiện chính sách về việc làm, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Do đó, cần có giải pháp hữu hiệu để tránh bẫy thu nhập trung bình và đối phó với tình trạng già hóa dân số.

TS.BÙI SỸ LỢI “BẮT MẠCH” 3 VẤN ĐỀ TRONG CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Những tồn tại, hạn chế của Luật Việc làm không còn phù hợp với những thay đổi của thị trường lao động (ảnh minh họa)

Cần có chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm

Luật Việc làm của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 là văn bản luật đầu tiên quy định các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Luật Việc làm không còn phù hợp với những thay đổi của thị trường lao động.

Theo Luật sư Phan Thị Phương Thúy, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong Luật Việc làm còn nhiều bất cập, như chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chưa quy định cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy cho vay giải quyết việc làm; các quy định về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không phù hợp với thực tiễn…

Trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN. Giai đoạn 2011-2015 là 4,53%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%/năm. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh, nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Nếu không có giải pháp tổng thể để phát huy lợi thế dân số vàng và quy mô dân số lớn thì đây là thách thức không nhỏ đối với nước ta như vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tránh bẫy thu nhập trung bình cũng như các giải pháp đối phó với tình trạng già hóa dân số đang đến rất nhanh

Cũng quan tâm về nội dung này, ThS. Nguyễn Thị Kim Quyên, Khoa Luật - Trường ĐH Văn Lang cho rằng luật hiện hành chưa có quy định về chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi trong khi họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đào tạo nghề và việc làm. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung như vấn đề làm thêm của học sinh, sinh viên. Công nghệ thông tin rất phát triển nhưng Luật Việc làm chưa có các quy định về hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Cần có tầm nhìn dài hạn, chiến lược tổng thể cả về phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư

Đặc biệt quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong nhiều năm vừa qua, thị trường lao động nước ta có bước phát triển tương đối tốt. Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; quan hệ cung-cầu lao động gia tăng. Đồng thời, chất lượng việc làm ngày càng cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Kỹ năng và thu nhập của người lao động tăng lên.

Bên cạnh nhiểu kết quả đạt được, thị trường lao động nước ta còn có một số hạn chế, đã được Chính phủ chỉ ra như sau: Một là, thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Hai là, thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.

Ba là, cân đối cung-cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu-thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu.

Ngoài ra, trong năm 2023 và có thể kéo dài trong nhiều năm tiếp theo, xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Kéo theo đó là tác động mạnh đến thị trường lao động trong nước, khả năng chống chịu của thị trường trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu và kỹ năng, trình độ chưa đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, để tăng năng suất lao động thì việc tăng trình độ, kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa quyết định. Cần chú ý tới tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh. Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. Đặc biệt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp, tranh thủ các cơ hội tạo ra từ cách mạng công nghiệp 4.0, để từng bước phát triển nền kinh tế số. Nâng cao năng suất lao động thì phải có sự chung tay của ba bên: Nhà nước, người lao động và giới chủ. Trong đó, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo thông qua kiến tạo, định hướng và thúc đẩy.

Đại biểu nhấn mạnh, lao động của chúng ta dồi dào nhưng chất lượng lao động chưa cao, nếu lấy chỉ số đào tạo thì tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%. Lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn cao, chiếm hơn 65%. Lao động chính thức thì chủ yếu làm trong ngành nghề có thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...Những ngành nghề này sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Do vậy, cần phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược tổng thể cả về phát triển nguồn nhân lực, cả về thu hút đầu tư như đã phân tích ở trên để lao động Việt Nam có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào những nhóm chính sách có lợi cho người lao động

Cho ý kiến về nội dung này tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội, thị trường lao động chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững hơn. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát triển đồng bộ các yếu tố, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Do đó, trong lần sửa đổi này, Luật Việc làm tập trung vào những nhóm chính sách có lợi cho người lao động.

Theo Bộ trưởng, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương, giúp người lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin, nghề nghiệp dễ dàng, thuận tiện.

Ngoài mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, luật sửa đổi còn phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Luật sửa đổi, bổ sung cũng sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Bên cạnh tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, luật sửa đổi cũng bổ sung điều kiện hưởng chính sách này. Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi nhu cầu của người lao động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, lao động yếu thế, đặc thù.

Hồ Hương