PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: TRIỂN VỌNG SÁNG TRONG HỢP TÁC VĂN HÓA VỚI CUBA, ARGENTINA VÀ URUGUAY

18/04/2023

Từ ngày 18-28/4/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn kỳ vọng, chuyến thăm sẽ mở ra triển vọng tươi sáng trong hợp văn hóa của Việt Nam với các nước, mở rộng tầm nhìn và đa dạng hóa giá trị văn hóa, giúp cho văn hóa của mỗi quốc gia được phát triển và quảng bá đến với thế giới.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ THĂM CHÍNH THỨC CỘNG HOÀ CUBA, CỘNG HOÀ ARGENTINA VÀ CỘNG HOÀ ĐÔNG URUGUAY

THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC ĐỐI TÁC CHÍNH KHU VỰC MỸ LATINH

CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ: VIỆT NAM - CUBA CÙNG NHAU SÁT CÁNH VÌ HOÀ BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Phóng viên: Theo ông chuyến thăm lần này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ của Việt Nam với các nước Cuba, Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong bối cảnh quốc tế có nhiều yếu tố phức tạp, tôi cho rằng, việc tăng cường hợp tác với các nước hữu nghị truyền thống, có quan điểm tương đồng, hài hòa để mở ra những cánh cửa và cơ hội hợp tác mới có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo ra thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển bền vững đất nước.

Sau gần 3 năm trải qua dịch bệnh COVID-19, các chuyến đi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chỉ thể hiện quan điểm đối ngoại của Việt Nam là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, mà còn đưa Việt Nam hoà nhập vào dòng chảy của thời đại, giúp tạo dựng một môi trường thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Trên cơ sở ấy, tôi cho rằng, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Cuba, Argentina và Đông Uruguay sẽ góp phần cụ thể hóa quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ của Việt Nam với các nước này trong thời gian tới. Chuyến thăm sẽ giúp thúc đẩy và nâng cao mối quan hệ hữu nghị, đối tác và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Cuba, Argentina và Đông Uruguay. Các cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo và đại diện của hai nước sẽ tạo cơ hội để bàn bạc và đưa ra các biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác hai bên trong các lĩnh vực chính như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa.

Đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ở khu vực này và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới, giúp thể hiện cam kết của Việt Nam đối với quan hệ đối ngoại đa phương và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, nhất là đối với các quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam như Cuba và Argentina, Đông Uruguay.

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác của Việt Nam với các quốc gia Mỹ Latinh (trong đó có Cuba, Argentina và Đông Uruguay), đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Việt Nam chúng ta có nền văn hóa đa dạng, phong phú, được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử, trong đó UNESCO đã ghi danh 8 di sản thế giới ở ba loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể ở hai loại hình đại diện của nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp. Khu vực Mỹ Latinh cũng là nơi có nền văn hóa đặc trưng riêng, đa dạng và phong phú. Chúng ta đã từng được biết đến các vũ điệu sôi động của khu vực này như Tango, Salsa hay rất nhiều các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh.

Hiện nay, việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, làm sao để quá trình giữ gìn, phát huy giá trị di sản tạo điều kiện thuận lợi, lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần cho sự phát triển bền vững đất nước. Tôi cho rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm xử lý mối quan hệ này giữa các quốc gia chắc chắn là những điều chúng ta trông đợi trong chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội.

Bên cạnh đó, từ khi UNESCO ban hành Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng về văn hóa, trong đó nhấn mạnh việc các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa, cũng như xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo chính là động lực cho sự phát triển của mỗi quốc gia, là nguồn lực mới cho thế giới. Việt Nam là một trong số những nước tham gia tích cực nhất vào việc thực hiện Công ước này và đã có những kinh nghiệm nhất định.

Trong khi đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng là hướng đi quan trọng của Cuba, Argentina và Đông Uruguay. Tôi thấy rằng, Cuba là một trong những quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật, văn hóa với nhiều chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực này. Argentina cũng là một trong những quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật, văn hóa, và có rất nhiều di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Đông Uruguay là một quốc gia nhỏ bé nhưng cũng có nhiều giá trị văn hóa có thể khai thác để tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật độc đáo.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể trao đổi, hợp tác về các lĩnh vực như xây dựng pháp luật về văn hóa, nghệ thuật, theo hướng công nghiệp văn hóa như trường hợp Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa qua, trao đổi nghệ sĩ, tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, du lịch văn hóa... từ đó hình thành nên sức mạnh mềm, sự tin tưởng và tình yêu mến giữa nhân dân hai nước, nhờ đó tạo ra các cơ hội khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng hợp tác rất lớn với Cuba, Argentina và Đông Uruguay nói riêng, các quốc gia Mỹ Latinh nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Việt Nam và các quốc gia này có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp cho việc trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau được nâng cao, đồng thời giúp cho văn hóa của mỗi quốc gia được phát triển và quảng bá đến với thế giới.

Phóng viên: Theo dự kiến khuôn khổ chuyến thăm này, Đoàn Việt Nam sẽ khai trương một số sự kiện văn hóa Việt Nam tại thủ đô của Cuba, Argentina và Đông Uruguay. Theo ông, hoạt động này có ý nghĩa như thế nào? Ông có kỳ vọng gì hợp tác văn hóa của Việt Nam với các nước này sau chuyến thăm?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, việc Đoàn Việt Nam sẽ khai trương một số sự kiện văn hóa Việt Nam tại thủ đô của Cuba, Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay là một cách để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của các nhân vật, sự kiện lịch sử quan trọng, những dấu mốc son trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước, từ đó giúp tăng cường sự hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

Chúng ta kỳ vọng rằng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Việt Nam sẽ mở ra triển vọng tươi sáng trong hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Cuba, Argentina, Đông Uruguay, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán của nhau, từ đó tạo ra sự hiểu biết, tôn trọng và đồng cảm với những giá trị đó; giúp các quốc gia tiếp cận với những nền văn hóa của nhau, từ đó mở rộng tầm nhìn và đa dạng hóa những giá trị văn hóa của mình; và nhất là trong bối cảnh hiện nay, hợp tác về văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục, nghệ thuật và công nghiệp văn hóa – sáng tạo, tạo ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà văn, nhà sản xuất nghệ thuật giữa các nước. Sau chuyến thăm, hai bên có thể có thêm các tuần văn hóa nghệ thuật ở mỗi nước như Tuần lễ văn hóa Việt Nam ở Cuba, Argentina, Đông Uruguay, và ngược lại, hay phối hợp đồng tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, di sản…

Như vậy, việc hợp tác văn hóa giữa các quốc gia là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và kết nối giữa các nền văn hóa khác nhau, nhất là hình thành nên sức mạnh mềm để lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây là những yếu tố hết sức cần thiết trong hoàn cảnh thế giới có rất nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày hôm nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức