ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BẮC GIANG VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỚI TRẺ EM MỒ CÔI

18/04/2023

Sáng 18/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

NGHIÊN CỨU MỞ RỘNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRẺ EM MỒ CÔI CHA HOẶC MẸ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc

100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được chăm sóc, hỗ trợ

Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh: “Xác định rõ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi nói riêng không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một cơ quan, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, những năm qua, các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định và giải quyết các vấn đề về trẻ em”.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 480 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 25% dân số. Trong đó, trên 3.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, phần lớn là trẻ khuyết tật các loại. Khoảng 50 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, phần lớn là trẻ sống trong hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

Số trẻ mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn là 184 trẻ, không có trẻ mồ côi cả cha và mẹ do dịch Covid-19, 5 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19. Trong số 184 trẻ mồ côi, 100 trẻ (15 trẻ mồ côi cả cha và mẹ) được nuôi tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Đến nay 100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, người thân hoặc cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh, được hưởng chế độ chính sách của nhà nước theo quy định; 100% trẻ em là con gia đình thuộc hộ nghèo được giúp đỡ bằng các hình thức như trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và chăm sóc bằng các hình thức khác. 100% số vụ vi phạm quyền trẻ em được phát hiện đã được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn khẳng định, 100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa trên địa bàn được hưởng chế độ chính sách của nhà nước theo quy định 

Giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với trẻ em

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang đã sát sao chỉ đạo các ngành, địa phương hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện linh hoạt, có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đặc biệt là trẻ em, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành.

UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19; chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp can thiệp chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng và mồ côi do đại dịch Covid-19, hướng dẫn thực hiện chăm sóc thay thế trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đối với trẻ em.

Với phương châm “không để trẻ em nào cần hỗ trợ mà không được hỗ trợ kịp thời”; các cấp, ngành tăng cường hoạt động phối hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trong điều kiện tốt nhất, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung; phối hợp tổ chức chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Cùng em học trực tuyến”, “Laptop cho em”, “Xe đạp đến trường”, “giúp đỡ trẻ em giữa tâm dịch”, “Một ngày trong khu cách ly cùng các em thiếu nhi”...

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm cho biết, tất cả các trường phổ thông trên địa bàn đều thành lập tổ tư vấn học đường, quan tâm đặc biệt đến đối tượng trẻ mồ côi

Mức trợ cấp bảo trợ xã hội còn thấp

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng thẳng thắn thừa nhận, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chưa gắn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào nhiệm vụ chung trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã còn thiếu và yếu về nghiệp vụ công tác xã hội, không có cán bộ chuyên trách, bố trí công chức xã làm công tác lao động - thương binh và xã hội kiêm nhiệm. Đội ngũ cộng tác viên ở thôn, khu dân cư có trình độ chuyên môn không đồng đều; hệ thống thu thập thông tin, giám sát, báo cáo đôi khi chưa kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Chưa có hướng dẫn cụ thể về mục chi ngân sách cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp xã. Vì vậy việc đầu tư ngân sách hàng năm để thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Mức trợ cấp bảo trợ xã hội đối với đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em, trẻ em mồ côi còn thấp. Chính sách hỗ trợ đối với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn còn bó hẹp nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhóm trẻ này...

Từ thực tế tại địa phương, Bắc Giang kiến nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu mở rộng chính sách với những trường hợp trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, như: trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế, chi phí học tập. Có chính sách phù hợp với đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em trên địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, xử lý thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực trẻ em; nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; tăng cường chất lượng thống kê, theo dõi tình hình trẻ em, đặc biệt trẻ em bị xâm hại, tai nạn, thương tích...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, trẻ em mồ côi vốn đã bất hạnh, thiệt thòi, nếu không được quan tâm chu đáo, kịp thời, các em càng bất hạnh, thiệt thòi hơn

Quan tâm hơn đối tượng trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt

Đoàn giám sát ghi nhận, mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đối với công tác trẻ em, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị để chấn chỉnh, tăng cường kịp thời lĩnh vực này. Đặc biệt, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào các chương trình, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Công tác tuyên truyền đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nguồn lực được ưu tiên, cả về nhân lực và kinh phí. “Điều này khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm và tin tưởng vào công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi nói riêng của Bắc Giang”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ - Trưởng đoàn giám sát chia sẻ.

Đoàn giám sát đề nghị tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát về công tác trẻ em; tổng kết, sơ kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết đã ban hành để điều chỉnh hoặc xây dựng nghị quyết mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Có chính sách đối với đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở; tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội phát huy vai trò của mình.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, trẻ em mồ côi vốn đã bất hạnh, thiệt thòi, nếu không được quan tâm chu đáo, kịp thời, các em càng bất hạnh, thiệt thòi hơn. Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, với số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khá cao (trên 50 nghìn em), Bắc Giang cần quan tâm, chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa hiệu quả, bởi càng giảm nhóm đối tượng này thì càng giảm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý để nắm được đầy đủ và chính xác các số liệu về trẻ em, từ đó phân tích, đánh giá đúng tình hình và đưa ra giải pháp phù hợp.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác