ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ ĐẤT ĐAI

17/04/2023

Ngày 17/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự luật này dự kiến sẽ được trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CAND

Toàn cảnh hội nghị.

Công bố bảng giá đất hàng năm chưa phù hợp

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến cử tri góp ý cho quy định UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố bảng giá đất mỗi năm một lần vào đầu năm là chưa phù hợp. Ông Lê Cao Thương, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Công đoàn nêu ý kiến: “Thời hạn một năm quá ngắn, gây khó khăn cho DN khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Luật Đất đai sửa đổi nên quy định thời gian này dài hơn khi giá đất đã ổn định, để từ đó có cơ sở cho các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) chính xác hơn”. Theo ông Thương, việc công bố bảng giá đất nên tiến hành 3 năm một lần.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, theo khảo sát của Sở, chu kỳ biến động giá đất trong mức quy định 20-30% trong khoảng thời gian từ 2,5 đến 3 năm nên 3 năm công bố bảng giá đất một lần là phù hợp. 

Trong khi đó, ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, khoản 4 Điều 49 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận là chưa hợp lý, vi phạm quyền người dân và chưa quan tâm đến quy hoạch của địa phương.

Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ góp ý tại hội nghị.

Tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của các DN trong hội nghị là quy định tạo lập quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) góp ý, đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất theo điểm b khoản 1 Điều 123 là không khả thi và khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn để thực hiện.

Bởi vì, trong nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng sẽ bị ách tắc chỉ vì một hoặc một ít hộ dân không chịu thỏa thuận, hoặc yêu cầu mức giá quá cao. Trên thực tế DN không thể đàm phán, thỏa thuận với hàng trăm hộ dân trong một dự án lớn. Do đó, để DN có thể triển khai được dự án thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thu hồi một phần đất.

Hội DNNVV cũng góp ý Dự thảo Luật Đất đai chưa quy định về thời hạn có hiệu lực của các thông báo thu hồi đất. Thực tế hiện nay, có dự án đã ban hành thông báo thu hồi trên dưới 10 năm nhưng không cơ quan nào tiến hành thực hiện thu hồi đất, khiến người dân luôn sống trong hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.

Ngoài ra, đại diện các Sở Xây dựng, Sở Tài chính cũng góp ý dự thảo Luật Đấi đai sửa đổi còn có nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, các luật ngành tài chính,… làm ảnh hưởng đến việc giải quyết quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, DN, nhà đầu tư.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sẽ tổng hợp và lựa chọn nội dung phù hợp để tham gia thảo luận khi dự luật được trình Quốc hội.

Nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị các đơn vị, tổ chức rà soát lại công tác quản lý đất công, bảo đảm việc sử dụng đất công phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

(Theo Báo điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu)