BỔ SUNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤU THẦU LÀ LUẬT GỐC TRONG CÔNG TÁC ĐẤU THẦU

17/04/2023

Dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã rà soát các văn bản pháp luật liên quan để bổ sung phạm vi điều chỉnh, đảm bảo Luật Đấu thầu là luật gốc trong công tác đấu thầu, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo các quy định đối với công tác đấu thầu.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, một số ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát các văn bản pháp luật liên quan để bổ sung phạm vi điều chỉnh, đảm bảo Luật Đấu thầu là luật gốc trong công tác đấu thầu, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tại các Luật và văn bản hướng dẫn khác, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo các quy định đối với công tác đấu thầu. Đồng thời, đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh theo hướng cô đọng, ngắn gọn, bao quát đầy đủ, dễ theo dõi, áp dụng trong thực tế.

Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, dự thảo Luật này đã được thiết kế theo hướng Luật Đấu thầu là luật gốc về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Đồng thời, rà soát quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) bảo đảm cô đọng, bao quát và bổ sung, chỉnh lý về đối tượng áp dụng (Điều 2) để quy định đầy đủ các hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không bỏ nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013, đồng thời đề nghị điều chỉnh lại như sau: “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng trên 1.000 tỷ đồng” để nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về vấn đề này có 2 loại ý kiến khác nhau như sau:

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 vì các lý do sau: Một là, quy định này phù hợp với chủ trương nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nhằm về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo

Việc bãi bỏ quy định trên không làm giảm phạm vi và hiệu lực quản lý nhà nước về đấu thầu, trong khi bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp do hoạt động lựa chọn nhà thầu của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ phương án này, quy định tại khoản 2 Điều 2 như sau: “Hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp để thực hiện: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Gói thầu  trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.”

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc việc bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013, quy định phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu bao gồm “dự án đầu tư sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” hoặc “dự án đầu tư sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ” để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý vì số lượng dự án đầu tư được triển khai thực hiện ở Công ty con không phải thực hiện theo quy định của luật đấu thầu sẽ là khá lớn (Công ty con không phải là doanh nghiệp Nhà nước).

Các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị

Theo phương án này, tại khoản 2 Điều 2, quy định như sau:

“Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ; Gói thầu trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước”.

Cùng với đó, có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu theo hướng quy định rõ các hoạt động phải đấu thầu thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đối với các hoạt động không phải đấu thầu thì không quy định trong Luật (bỏ quy định tại khoản 3 Điều 1).

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Điều 1 quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư bao gồm các hoạt động cụ thể (đưa từ Điều 1 của dự thảo Luật trình Quốc hội xuống). Chuyển các hoạt động không phải đấu thầu quy định tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội xuống Điều 3 để quy định rõ nguyên tắc áp dụng đối với các hoạt động này cho phù hợp.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không loại trừ hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 1 vì các khoản đóng góp này là khoản thu ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành thì các khoản huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng nguồn từ các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ không tạo sự chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tài trợ (cụ thể như việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua).

Mặt khác, dự thảo luật đã quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế” để bảo đảm tính chặt chẽ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 8 Điều 3 của dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng cơ quan tiếp nhận tài trợ không phải tổ chức đấu thầu nếu nhà tài trợ yêu cầu không thực hiện đấu thầu.

Minh Hùng