MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH TRONG HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

12/04/2023

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, các Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản ủng hộ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/4: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh với 3 lĩnh vực

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, theo đó trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng với hạ tầng viễn thông tạo thành hạ tầng số thống nhất, quan trọng của nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý và truyền đưa thông tin.

Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, theo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây thực hiện hoạt động lưu trữ và truy xuất, xử lý thông tin của người sử dụng thông qua việc gửi, truyền, nhận thông tin trên mạng viễn thông là các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ai Cập,... cũng quy định dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Tương tự, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (gọi tắt là OTT viễn thông - các dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin,...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Vì vậy, dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet trong viễn thông.

Thể chế quan điểm của Đảng về chuyển đổi số quốc gia

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đây là dự án luật mang tính kỹ thuật rất cao, có tính chuyên sâu rất lớn, nhưng cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu, trách nhiệm, tâm huyết.

Các đại biểu đều cho rằng luật hiện hành được ban hành từ năm 2009, trong bối cảnh khoa học công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông còn rất đơn giản, điện thoại thông minh còn rất đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhanh chóng, việc xây dựng dự án Luật này rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương của Đảng về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và về chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực này, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là một chuỗi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, việc pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý sẽ dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin, do đó dịch vụ OTT cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhất trí cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.Tuy nhiên cần rà soát, làm rõ sự khác biệt về các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp giữa dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông.

Đồng thời, cân nhắc việc áp dụng các quy định pháp luật về dịch vụ viễn thông đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây để tránh làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ này mang lại cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đều bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật với 3 lĩnh vực (gồm trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và OTT) như đề xuất của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đối với 3 dịch vụ mới này cần lưu ý có làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp hay không, có tác động, ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật  để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, để đảm bảo tính cụ thể của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Ban soạn thảo rà soát cập nhật những quy định đã thực hiện ổn định để đưa vào dự thảo Luật và tránh việc giao cho Chính phủ quá nhiều điều, khoản hướng dẫn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Cho ý kiến vào dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc bổ sung các quy định về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet là cần thiết. Tuy nhiên cần tiếp tục cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách nếu quy định về các dịch vụ này trong luật; đồng thời xác định mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

Về quy định cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu quy định nội dung này phải bảo đảm minh bạch. Đồng thời nếu như không có quy định rõ ràng về phương án kỹ thuật cần thiết để bảo đảm an ninh thông tin thì rất dễ tùy tiện, tránh tình trạng giải thích tùy tiện, làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp./.

Thu Phương