QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT TƯ CÁCH THÀNH VIÊN CHÍNH THỨC, THÀNH VIÊN LIÊN KẾT CỦA HỢP TÁC XÃ

12/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu qua các diễn đàn Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định cụ thể tại Điều 32 (Chấm dứt tư cách thành viên HTX) và Điều 36 (Chấm dứt tư cách thành viên liên hiệp HTX), về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn của HTX, liên hiệp HTX.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về thành viên HTX, ngoài thành viên chính thức là người sản xuất, kinh doanh trong cùng lĩnh vực HTX, có thể có thành viên liên kết là doanh nghiệp, những người sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho HTX hoặc chế biến, tiêu thụ sản phẩm của HTX; đề nghị tiếp tục giữ thành viên của HTX là hộ gia đình, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, bởi vì hiện nay việc giao đất để sản xuất nông nghiệp vẫn giao cho hộ gia đình.

Các đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thành viên của HTX, liên hiệp HTX tại dự thảo Luật bao gồm cả hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được thành lập, hoạt động tại Việt Nam và pháp nhân Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định tại điểm g khoản 1 Điều 75 về quyền của thành viên liên kết góp vốn yêu cầu Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên giải trình về tình hình hoạt động của HTX. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 76, các thành viên liên kết góp vốn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của HTX trong phạm vi vốn góp vào HTX; đề nghị xem xét điều chỉnh quyền của các thành viên liên hiệp HTX tại Điều 80 cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và rà soát, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 30 (Quyền của thành viên HTX), khoản 2 Điều 34 (Quyền của thành viên liên hiệp HTX) về quyền của thành viên liên kết góp vốn về kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên giải trình về hoạt động của HTX, liên hiệp HTX; sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 34 về quyền của thành viên liên hiệp HTX.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tại các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đề nghị quy định tại Điều 79 về thành viên của liên hiệp HTX, có thể quy định ít nhất 03 - 05 HTX tự nguyện góp vốn thành lập liên hiệp HTX; đề nghị cân nhắc về tính logic khi quy định liên hiệp HTX dưới 10 thành viên hoạt động theo mô hình quản trị rút gọn, bởi lẽ liên hiệp HTX được thành lập bởi ít nhất 03 HTX thành viên, trong khi đó, mỗi HTX có tối thiểu 05 thành viên.

Đối với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại khoản 12 Điều 4 quy định về liên hiệp HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 03 HTX là thành viên chính thức tự nguyện thành lập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, rà soát và chỉnh lý quy định tại Điều 55 (Tổ chức quản trị) về việc HTX quy mô nhỏ, vừa, lớn, liên hiệp HTX từ 10 thành viên trở lên phải tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ và có thể lựa chọn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc (Tổng Giám đốc); HTX quy mô siêu nhỏ, liên hiệp HTX dưới 10 thành viên có thể hoạt động theo tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định rõ trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; cân nhắc quy định sau thời gian quy định mà vẫn có thành viên chưa góp đủ vốn đã cam kết thì sẽ không còn là thành viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 32 (Chấm dứt tư cách thành viên HTX) và Điều 36 (Chấm dứt tư cách thành viên liên hiệp HTX), theo đó quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn của HTX, liên hiệp HTX. Một trong những trường hợp chấm dứt tư cách thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn của HTX, liên hiệp HTX là việc tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.

Cùng với đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về địa vị pháp lý, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động cũng như chấm dứt tư cách người lao động trong tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; cần xác định người lao động là đối tượng tiềm năng được quyền tham gia góp vốn, trở thành thành viên góp vốn và được quyền ký kết các hợp đồng dịch vụ đầu vào, đầu ra để trở thành thành viên liên kết.

Toàn cảnh Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định chủ yếu đến chủ thể là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và thành viên. Quy định tại dự thảo Luật về thành viên chính thức và thành viên liên kết không góp vốn của HTX có thể là những người có góp sức lao động vào HTX với tư cách là thành viên của HTX. Dự thảo Luật cũng không hạn chế các cá nhân khác có quyền tham gia là thành viên của HTX nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật này. Còn đối với người lao động làm công hưởng lương được thực hiện theo hợp đồng lao đồng và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định thành viên liên kết góp vốn đã mở ra cơ hội cho các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có thể tham gia góp vốn vào HTX. Tuy nhiên, quy định tại Luật Viên chức năm 2010 không cho phép viên chức tham gia quản lý, điều hành HTX. Có ý kiến không nhất trí với quy định về thành viên liên kết góp vốn vì cho rằng sẽ làm mất đi bản chất của HTX là đối nhân, không phải như doanh nghiệp là đối vốn.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì công chức, viên chức không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, HTX. Theo quy định tại dự thảo Luật, chỉ có thành viên chính thức mới được thành lập, tham gia quản lý, điều hành HTX, liên hiệp HTX. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về thành viên liên kết góp vốn nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực về vốn cho HTX, liên hiệp HTX; khuyến khích nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp có thể tham gia với tư cách là thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn thông qua việc góp vốn bằng công nghệ hoặc tham gia tư vấn, hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất cho HTX, liên hiệp HTX.

Minh Hùng