ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: TIẾP TỤC GIÁM SÁT SÂU RỘNG VIỆC GIẢI NGÂN CÁC GÓI HỖ TRỢ DÀNH CHO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

10/04/2023

Để thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đoàn Giám sát của Quốc hội cần tiếp tục giám sát sâu rộng hơn nữa ở các địa phương việc giải ngân các gói hỗ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa.

NHIỀU BÀI HỌC CẦN RÚT KINH NGHIỆM TỪ VIỆC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đây là chuyên đề giám sát tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và có ý nghĩa rất lớn góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân.

Xung quanh nội dung trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp.


Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Phóng viên: Tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đại biểu có thể cho biết việc xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Công tác phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua đã cho thấy, việc xử lý tham nhũng là không có “vùng cấm”, trong đó có lĩnh vực Y tế. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại Phiên họp thứ 22. Đây cũng là việc làm cần làm sáng tỏ trước những vấn đề mà cử tri đặt ra trong công tác phòng ngừa, phòng chống và xử lý những tiêu cực trong công tác phòng chống COVID-19.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến và ban hành Nghị quyết về vấn đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo tôi, dựa vào kết quả giám sát, nếu địa phương, tổ chức, cá nhân mắc sai phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn nếu nơi nào thực hiện tốt công tác sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì nên tiếp tục phát huy. Ngoài ra, qua kết quả chuyên đề giám sát trên, các địa phương, Bộ ngành liên quan sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất để thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh được tốt hơn trong thời gian tới.


Cuộc làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với các Bộ, ngành về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Phóng viên: Để thực hiện tốt việc giải ngân các gói hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác, theo đại biểu, Đoàn giám sát của Quốc hội cần chú trọng triển khai những biện pháp hữu hiệu nào?  

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Hàng năm, Nhà nước đều dành một khoản ngân sách để dành cho công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai… Ngoài ngân sách dự phòng của Nhà nước, chúng ta cũng đã huy động thêm các nguồn lực từ công tác xã hội hóa.

Việc giám sát ngân sách Nhà nước và từ việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai là vấn đề hết sức quan trọng. Tôi cho rằng, để thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh được hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đoàn Giám sát của Quốc hội cần giám sát sâu rộng hơn nữa ở các địa phương việc giải ngân các gói hỗ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như nguồn kinh phí từ công tác xã hội hóa. Việc làm này nhằm đảm bảo nguồn kinh phí được chi đúng đối tượng, yêu cầu đề ra và theo đúng quy định của pháp luật cũng như đảm bảo những điều lệ mà Luật Ngân sách không cho phép thực hiện.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào về việc Quốc hội thực hiện các chuyên đề giám sát?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi hy vọng, Quốc hội sẽ tổ chức thường xuyên, liên tục giám sát những chuyên đề tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân như chuyên đề giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.  

Trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi thấy, những vấn đề nào mà cử tri, Nhân dân quan tâm nhiều mà Quốc hội tham gia giám sát thì nhận được sự ủng hộ rất cao. Qua các đợt giám sát, Quốc hội có thể cho người dân thấy rằng, cơ quan lập pháp có đủ thẩm quyền thực hiện công tác giám sát. Thông qua đó, Quốc hội cũng có thể lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của người dân để có những giám sát đối với các cơ quan công quyền trong việc thực thi pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan