​NHIỀU BÀI HỌC CẦN RÚT KINH NGHIỆM TỪ VIỆC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

18/03/2023

Theo Kế hoạch, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát và thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Qua công tác xem xét báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp giám sát ở cơ sở, thành viên Đoàn giám sát đề nghị ghi nhận xứng đáng đóng góp của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch và đánh giá kỹ việc huy động nguồn lực xã hội.

ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19.

Nguồn lực Nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không thể “cân, đo, đong, đếm”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 bên cạnh nguồn lực ngân sách Nhà nước, có sự đóng góp quan trong của nguồn lực Nhân dân. Đóng góp của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vô cùng lớn, không thể “cân, đo, đong, đếm”. Đây còn là tình nghĩa đồng bào, là ý thức trách nhiệm, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh trong báo cáo của Đoàn giám sát đọc trước Quốc hội, trước quốc dân, đồng bào.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, đóng góp của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vô cùng lớn, không thể “cân, đo, đong, đếm”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là bài học có thể rút ra sau dịch bệnh, trở thành kinh nghiệm xử lý những tình huống tiếp theo. Đặc biệt, nguồn lực xã hội đóng góp vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 không thể quy nạp bằng số tiền cụ thể, mà đây là ý nghĩa chính trị, là tình đồng bào, tình đồng chí.

"Trong thời điểm dịch bệnh, chúng tôi được nhận gần 3 tấn cá đông lạnh, lúc bấy giờ ai cho gì là lấy hết, cho gì cũng lấy - đây là nguồn lực rất quan trọng. Bởi vì cách ly tập trung, tổ COVID cộng đồng trực 24/24 ăn bằng gì nên phải có người nấu cơm, nhưng tiền đâu để mua, phải huy động các nguồn lực để làm. Đây là nguồn lực rất quan trọng, cần được nhấn mạnh hơn trong báo cáo của Đoàn giám sát. Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện rõ hơn trong báo cáo của Chính phủ về việc huy động nguồn lực xã hội", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Với vai trò là cơ quan phát huy truyền thống đoàn kết, tăng cường nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi, phát động Nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, căn cứ vào các quy định hiện hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 3 lần tổ chức kêu gọi và phát động Nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trung ương tổ chức nhiều hình thức để huy động nguồn lực trong Nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết quả tiếp nhận, sử dụng kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 (từ tháng 3/2020 đến ngày 31/12/2022) do Mặt trận Trung ương huy động thông qua tài khoản của Trung ương Mặt trận trung ương, cũng như thông qua việc vận động nguồn lực bằng hiện vật quy ra giá trị bằng tiền đã tiếp nhận hơn 2.904 tỷ đồng; nguồn kinh phí của hệ thống mặt trận cả nước là hơn 15.000 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, số tiền này so với ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống COVID-19 chỉ là một phần nhỏ như ý nghĩa về mặt chính trị, ý nghĩa về mặt xã hội rất lớn.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp chưa từng có trong tiền lệ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban vận động huy động xã hội đã kịp thời phát động, kêu gọi vận động toàn dân, trong đó có đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài đồng lòng tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần bổ sung kịp thời nguồn lực cho quỹ vaccine của Chính phủ. Tổ chức tiếp nhận, quản lý và phân bổ, chuyển kịp thời các hiện vật tiếp nhận được đến các cơ sở y tế và đến với người dân.

Cần văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn đối với việc huy động nguồn lực xã hội.

Đánh giá cao việc nguồn lực huy động nguồn lực xã hội trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, nhưng điều này cũng đặt ra một số vấn đề huy động nguồn lực xã hội hóa. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thúy Chinh, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, báo cáo của các địa phương và giám sát tại các địa phương cho thấy nhiều bài học cần phải rút kinh nghiệm từ việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, như chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giá trị hàng hóa, việc xác lập quyền sở hữu tài sản… Trong huy động nguồn lực xã hội hóa có nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành đều huy động và huy động. Liệu việc huy động đã gắn với nhu cầu thật sự, chất lượng đã đạt như mong muốn, có đến tay người sử dụng… Đây là những vấn đề cần trao đổi, làm rõ thêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thúy Chinh nêu quan điểm.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa đề xuất cần văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn đối với việc huy động nguồn lực xã hội.

Để có thêm thông tin và cơ sở để Đoàn Giám sát xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, thành viên Đoàn giám sát đề nghị bổ sung tình hình, kết quả huy động tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (huy động nguồn lực xã hội). Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2021, nguồn lực xã hội trên tổng số nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 là 93.608 tỷ đồng trên tổng số 376.217 tỷ đồng trong tổng số nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiếm 24,8%. Như vậy nếu tính tổng nguồn lực cho COVID-19, nguồn lực xã hội chiếm ¼ cho thấy đây là nguồn lực hết sức quan trọng, cần phải nhấn mạnh, đánh giá kỹ hơn vai trò của nguồn lực này để có bài học kinh nghiệm cho tương lai.

Cũng liên quan đến nguồn lực xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng cơ chế, chính sách trong việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn lực xã hội hiện nay mới chỉ dừng ở văn bản cấp Nghị định. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước đã được quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản luật khác điều chỉnh đối với việc sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Nhưng với nguồn lực xã hội, ngày 27/10/2021 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 93 /2021/NĐ-CP  quy định về về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hỗ trợ nhu yếu phẩm, hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở cho những trường hợp gặp thiên tai, dịch bệnh. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, nếu nhìn vào cấp độ của quy định, việc huy động nguồn lực xã hội cũng cần phải có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn để áp sử dụng trong tương lai.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức vận động, phân bổ nguồn lực xã hội. Cụ thể, tại thời điểm bùng phát dịch COVID-19, chưa có căn cứ pháp lý nào cho công tác tổ chức vận động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Do đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã vận dụng Nghị định số 64 năm 2008 của Chính phủ về việc vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ cho Nhân dân khắc phục thiên tai, sự cố hỏa hoạn. Đến ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93 thay thế cho Nghị định 64 và đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện công tác quản lý và phân bổ sau này.

Ngoài ra, do thiếu hành lang pháp lý, nên việc việc xác định đơn giá, chất lượng các thiết bị y tế, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Đoàn giám sát của Quốc hội tổng hợp các kiến nghị, đề nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định pháp luật có liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân, cho đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở và các văn bản quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, sự cố bất thường.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho các địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024./.

Lan Hương

Các bài viết khác