ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ KINH TẾ BÁO CHÍ VÀ VIỆC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BÁO CHÍ

01/03/2023

Chiều ngày 01/03, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về kinh tế báo chí và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì buổi làm việc.

ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TẠI ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với báo chí in, báo chí điện tử hiện nay có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 673 cơ quan tạp chí. Với phát thanh, truyền hình, có 72 cơ quan, gồm 2 đài quốc gia, 1 đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2022 là 19.356.

Về các tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách, Báo cáo của Bộ nêu rõ, chi ngân sách thường xuyên cho các cơ quan báo chí chiếm khoảng 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách và bằng khoảng 60% nguồn thu của báo chí. Không nhiều cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực tài chính để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ, ngành chưa có sự tham gia ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Như vậy, sẽ dẫn tới tình trạng nơi nhận nhiều, nơi không có hoặc nội dung đặt hàng chưa bám sát theo chức năng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, dẫn đến hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu nhưng phải chịu mức thuế thu nhập như doanh nghiệp. Các quy định pháp luật về quảng cáo trên báo chí hiện nay chưa phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, của ngành quảng cáo, dẫn đến chưa thúc đẩy phát triển quảng cáo trên báo chí, hạn chế doanh thu quảng cáo.

Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo cũng nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn pháp luật báo chí; trong đó, có một số vấn đề tồn tại, bất cập về: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; Việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; Quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; Hoạt động liên kết báo chí…

Trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có. Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, doanh thu quảng cáo báo chí sụt giảm, 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới...

Về thể chế pháp luật liên quan đến kinh tế báo chí, Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm tiến bộ, nhưng nội dung liên quan đến kinh tế báo chí chỉ đề cập mang tính nguyên tắc, chung chung; các văn bản khác liên quan đã được ban hành, nhưng hiện nay vẫn vướng chủ yếu do sự phối hợp và cách hiểu văn bản khác nhau…

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề: đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách nhà nước, việc quản lý thông tin trên mạng xã hội, cơ chế chính sách cho đội ngũ người làm báo, vấn đề tự chủ của cơ quan báo chí, vấn đề báo hóa tạp chí…

Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần có hướng tiếp cận chính sách mới, phù hợp hơn nữa về kinh tế báo chí

Các ý kiến cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí, để báo chí phát triển sao cho phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, từ đó báo chí nước ta không đánh mất vai trò là “phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội” là vấn đề quan trọng đặt ra vừa có tính chất vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần có hướng tiếp cận chính sách mới, phù hợp hơn nữa về kinh tế báo chí và đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông sớm xác định rõ những yêu cầu, giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế báo chí nước ta tiếp tục phát triển trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ tham mưu hoàn thiện đề nghị sửa đổi Luật Báo chí năm 2016; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có lộ trình xây dựng Luật (mới) điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực truyền thông đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận để phân loại, định rõ các loại cơ quan báo, tạp chí phù hợp với tính chất hoạt động và cơ chế, chính sách phù hợp…/.

Thu Phương