PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN LƯU BÌNH NHƯỠNG: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM NHỮNG BẤT CẬP ĐỂ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

16/01/2023

Nhìn lại những sự kiện đặc biệt ghi dấu sự phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2022, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định, Việt Nam đã duy trì được sự ổn định phát triển kinh tế vĩ mô, liên tục giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Nhìn lại những sự kiện đặc biệt ghi dấu sự phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2022, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhận định, năm 2022 có những điểm khá đặc biệt, khi đất nước ta vừa trải qua giai đoạn phòng chống đại dịch Covid-19, toàn cầu bị ảnh hưởng và trong dòng chảy ấy, nước ta cũng đã phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì xung đột trên thế giới nổ ra, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của nhiều khu vực, điều đó cũng gián tiếp ảnh hưởng tới Việt Nam.

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, cùng sự chung tay của toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã duy trì được sự ổn định phát triển kinh tế vĩ mô, liên tục giữ vững sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ổn định vĩ mô, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, có nhiều vấn đề còn tồn tại, trong đó nổi lên là chuyện công tác cán bộ, rất nhiều các vụ việc sai phạm lớn đã và đang được xử lý để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng

Bên cạnh đó, thời gian gần đây có nhiều vụ việc sai phạm từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý ở tầm vĩ mô của các bộ, ngành. Rõ ràng sai phạm thì phải xử lý, nhưng trách nhiệm của cá nhân và tổ chức ra sao khi để xảy ra chuyện họ lợi dụng, lách luật? Rồi chuyện xử lý những sai phạm ấy nhưng thị trường chao đảo, rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý, lo sợ vướng vào lao lý thì phải trấn an, động viên và mở đường cho họ vượt qua khó khăn. Sau đại dịch, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chưa vượt qua được thì lại thêm những vấn đề bất ổn thị khiến cho niềm tin của nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Trong những tình huống như vậy, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng vai trò điều hành ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng. Công tác điều hành mặc dù được nhấn mạnh là phải đảm bảo sự linh hoạt, nhưng trên thực tế vẫn còn có những lúc bị nghẽn chính sách, thời gian sửa đổi để ra quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn khá chậm, cần phải được rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, bám sát mọi diễn biến và chúng ta giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng phải thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại để cùng nhau tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển tốt hơn trong năm 2023. Phó Trưởng Ban Dân nguyện thẳng thắn nêu băn khoăn về các vấn đề: cải cách luật pháp được đặt ra nhưng vẫn còn tình trạng lộn xộn trong đề xuất chính sách, chậm trễ trong ban hành văn bản triển khai nhưng lại vội vã đề xuất những chính sách gây tranh cãi. Mỗi năm số lượng kiến nghị cử tri đối với bộ, ngành vẫn không giảm.

Bên cạnh đó, Chính phủ liên tục thực hiện cải cách hành chính, nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về sự nhiêu khê, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước, vẫn phải bôi trơn cho guồng máy thủ tục. Nhiều vụ việc sai phạm được đưa ra ánh sáng cho thấy không ít cán bộ đã lợi dụng chức quyền để trục lợi, nhiều doanh nghiệp thì sẵn sàng đưa hối lộ để có được dự án họ muốn. Cùng với đó, có những việc Chính phủ chỉ đạo nhưng ở cấp dưới không có mấy chuyển biến, còn tồn tại tình trạng "trên nóng, dưới lạnh. Một số vấn đề cố hữu đã được chỉ ra trong nhiều năm nhưng chưa có nhiều thay đổi, cụ thể như chậm giải ngân vốn đầu tư công, hay việc khắc phục hậu quả từ 12 dự án lớn có vốn đầu tư Nhà nước. Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, cần xử lý dứt điểm những vấn đề này, vừa là để triển khai hiệu quả công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác vừa giữ vững niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, huy động được sức mạnh đại đoàn kết.

Chia sẻ về sự khó khăn của thị trường tài chính và thị trường bất động sản, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ vấn đề này, nhưng dường như sự chuyển biến vẫn còn chưa đủ nhanh, chưa đủ mạnh, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đều chưa thoát khỏi vùng khó khăn.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, khi làm việc với cán bộ, Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng "Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên". Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện, quan điểm như vậy là rất thẳng thắn, đã là cán bộ thì hãy hành xử xứng đáng với sự tín nhiệm của tổ chức và nhân dân. Gần đây, tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua sự trì trệ ở rất nhiều lĩnh vực. Có Đại biểu Quốc hội từng cảnh báo rằng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lãnh đạo quản lý đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm cầm chừng và "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, muốn có câu trả lời chính xác về ý thức pháp luật, thái độ tuân thủ, sự im lặng cầu an của người có trách nhiệm thì hãy làm rõ vướng mắc từ thể chế và cơ chế thực hiện, xử lý quyết liệt nhưng phải công bằng, đồng thời cần củng cố niềm tin cho cán bộ khi họ dấn thân, sáng tạo, là người tiên phong mở đường.

Minh Hùng