HOÀN THIỆN CƠ CHẾ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC BÊN TRONG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

16/01/2023

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang từng bước hoàn thiện. Bàn về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang từng bước hoàn thiện, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định, cơ chế kiểm soát thu nhập quan chức, trong kiểm soát quyền lực quan chức. Bàn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cơ bản đồng tình với đề xuất phải xây dựng Luật Đạo đức quan chức và luật hóa tội làm giàu bất chính, bổ sung cơ chế tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thu nhập quan chức, trong kiểm soát quyền lực quan chức.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, tài sản công...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đề xuất giải pháp cho công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, để kiểm soát được quyền lực cán bộ, để không xảy ra tham nhũng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Cần tiếp tục sắp xếp tinh gọn lại hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Bảo đảm tính độc lập, có đủ thực quyền của hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm soát quyền lực trong nội bộ hệ thống hành pháp.

Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; hoàn thiện cơ chế pháp lý Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tổ chức tràn lan, dàn trải. Đặc biệt cần tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Nhấn mạnh đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể… đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, TS. Trần Công Phàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu rõ, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp quy tụ sự tham gia của hơn 74.000 Hội viên là các Luật gia đã và đang làm công tác pháp luật tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các trường đại học, viện nghiên cứu... Đó cũng là thế mạnh của Hội Luật gia.

Thời gian qua, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, chất lượng được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Mỗi năm, Hội Luật gia các cấp tham gia góp ý phản biện xây dựng hàng trăm văn bản chính sách pháp luật của Trung ương (chưa tính các địa phương). Hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, nhất là ngày 1/7/2022 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, giao cho Hội Luật gia nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Để đáp lại sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi mỗi Hội viên, mỗi cấp hội càng phải có trách nhiệm cao hơn, phát huy trí tuệ của tập thể Hội viên trong việc tham gia góp ý, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật; chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Về phía TW Hội cần không ngừng đổi mới hoạt động để huy động, tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu, những người làm thực tiễn… đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Về phía Hội Luật gia các cấp phải chủ động tổng hợp, nghiên cứu, phân tích và có đề xuất ý kiến với các cơ quan có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, nhất là các ý kiến về mặt pháp lý, về kỹ thuật lập pháp, về tính khả thi của chính sách pháp luật.

Minh Hùng