THÀNH CÔNG “HỘI THẢO VĂN HÓA 2022” - VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

23/12/2022

Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, các chuyên gia đánh giá cao công tác truyền thông của Hội thảo và cho rằng truyền thông đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng phản ánh, đi sau kiểm chứng” góp phần vào thành công cho Hội thảo.

GIẢI MÃ THÀNH CÔNG “HỘI THẢO VĂN HÓA 2022”

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

NSƯT Trần Ly Ly – Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật

Phóng viên: Theo dõi Hội thảo văn hóa 2022, ông/bà có đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông trong lĩnh vực văn hóa? Ông/bà có bình luận gì về công tác thông tin tuyên truyền của Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay?

NSƯT Trần Ly Ly – Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật: Tôi có thể khẳng định truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực, chứ không riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Truyền thông là một phần quan trọng trong của bất kỳ một lĩnh vực nào, truyền thông đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng phản ánh, đi sau kiểm chứng”. Nếu không có truyền thông thì nghệ thuật biểu diễn giống như “mất đi đôi cánh, không thể bay lên, bay xa, bay rộng được”.

Cũng giống như Hội thảo Văn hóa 2022, muốn tổ chức truyền thông Hội thảo hiệu quả, thực chất cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa, tầm vóc của Hội thảo này, đặc biệt là đối tượng chúng ta đang muốn hướng tới. Hội thảo sẽ bàn về câu chuyện “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, đây là vấn đề được sự quan tâm của toàn dân, tuy nhiên trọng tâm chính là đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về văn hóa; các đơn vị nghệ thuật; các doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật và một bộ phận rất lớn là giới văn nghệ sĩ. Do đó, tổ chức các hoạt động truyền thông phù hợp, chúng ta luôn đặt câu hỏi “Truyền thông cái gì? Truyền thông cho ai và Truyền thông bằng phương thức nào?”.

Hội thảo Văn hóa 2022 cũng đã làm được một số hoạt động trọng tâm rất hiệu quả khi triển khai hình thức tổ chức Hội thảo là trực tiếp kết hợp với trực tuyến với điểm cầu chính tại Thủ đô Hà Nội và nối đến các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương.

Thành phần tham dự Hội thảo cũng được mở rộng ở các đầu cầu trực tuyến, gồm cả cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, các nghệ sĩ trực tiếp làm văn hóa, các doanh nghiệp làm văn hóa và các cơ quan xây dựng chính sách.

Đặc biệt, trước khi tổ chức Hội thảo phiên trọng thể, Hội thảo cũng đã tính toán phối hợp với các đơn vị truyền thông lớn tuyên truyền trước Hội thảo với các chủ đề nhỏ hơn, bàn luận chuyên sâu về vấn đề này. Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức các tuyến tin, bài, phóng sự chuyên sâu tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm vóc của Hội thảo. Tổ chức tuyến tin bài chuyên sâu về văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là những vấn đề đã và đang đặt ra trong lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, xây dựng các bài viết, phóng sự chuyên sâu tham vấn các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật.

Tuy nhiên tôi cho rằng, cần khai thác sâu ý kiến đa chiều từ nhóm doanh nhân trẻ đã và đang đêm theo đuổi lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa. Qua đó mới lắng nghe được nhiều ý kiến toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cần tổ chức sản xuất các sản phẩm, các bộ sản phẩm tuyên truyền trên nền tảng số, báo điện tử và đặc biệt nên quan tâm mạng xã hội về kết quả của Hội thảo; nhất là những nội dung Hội thảo bàn đã bàn luận; đặc biệt nêu bật được kết quả của Hội thảo; những câu nói nổi tiếng của các đồng chí lãnh tụ, chính khách, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ … nói về văn hóa; phản ánh các kết quả, những hạn chế và hệ thống giải pháp để phát triển văn hóa nói chung và lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng.

Đối với các xuất bản phẩm về lĩnh vực văn hóa sau Hội thảo, tôi thiết nghĩ cần xuất bản những ấn phẩm càng ngắn ngọn càng tốt, thậm chí chỉ cần trích dẫn một số vấn đè lớn, trọng tâm, sử dụng sách điện tử, sách inbox marketing… thi sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều giai tầng xã hội.

Tôi thấy rằng Hội thảo Văn hóa 2022 là một Hội thảo có quy mô tầm cỡ quốc gia, chỉ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đã được xây dựng, tổ chức theo hướng mở, linh hoạt, không cứng nhắc, thu được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý tham vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Sau khi kết thúc Hội thảo, tôi cho rằng, nên giao Truyền hình Quốc hội và Truyền hình Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cùng một số cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng… triển khai tuyến phóng sự, trích dẫn các ý kiến tham luận tại Hội thảo, đặc biệt là kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát liên tục trên không gian mạng ít nhất khoảng 1-2 tháng.

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Về công tác truyền thông của Hội thảo Văn hóa 2022, tôi cho rằng Ban Tổ chức đã phối hợp với các đơn vị triển khai và dẫn dắt rất tốt. Hướng sự quan tâm của dư luận thông qua các kênh truyền thông chính thống, uy tín có lượng truy cập, tương tác cao như các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và website chính của Hội thảo. Các tuyến bài tuyên truyền trước, trong và sau rất đậm nét, rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chủ đề và kết quả của Hội thảo.

Để tiếp tục lan tỏa nội dung của Hội thảo, tạo hiệu ứng tích cực rộng rãi trong cộng đồng, tôi cho rằng trong thời gian tới, Ban Tổ chức Hội thảo cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về kết quả Hội thảo. Đặc biệt, chú trọng truyền thông qua nhiều kênh như báo, đài có uy tín như đã làm; trên một số nền tảng mạng xã hội - là những kênh truyền tải thông tin có sức lan tỏa rộng và nhanh. Các kết quả của hội thảo phải được tuyên truyền rộng rãi trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân để vừa nâng cao nhận thức, vừa khích lệ tất cả mọi người cùng hành động.

Tôi cho rằng, văn hóa là hơi thở của cuộc sống, vì vậy, các kết quả của Hội thảo văn hóa do Quốc hội chủ trì, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận cần trở thành những luồng sinh khí mới tiếp thêm động lực và niềm tự hào cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân, cộng đồng khắp mọi miền đất nước để huy động tối đa sức mạnh trong dân và sức mạnh của toàn dân tộc cho phát triển và chân hưng văn hóa nước nhà, làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trong lòng dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước và lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu để góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng cần phổ biến kết quả nội dung hội thảo (kỷ yếu hội thảo) đến toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng có chuyên ngành văn hóa, du lịch.

Đồng thời, duy trì việc tổ chức hội thảo thường xuyên và các hội thảo chuyên đề sau Hội thảo nhằm chia sẻ và trao đổi nội dung nghiên cứu có liên quan, từ đó hình thành nên chuỗi hội thảo mang tính chất định kỳ và quen thuộc đối với các nhà khoa học.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi cho rằng, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lan tỏa những thông điệp, ý nghĩa, những đóng góp mới về mặt lý luận và thực tiễn của hội thảo. Truyền thông chính là quyền lực thứ tư dẫn đạo, định hướng, lan tỏa dư luận.

Khi truyền thông được khai thác tốt, sẽ phát huy hiệu quả và sức tác động rất lớn. Cách làm mới của Hội thảo năm nay là công tác truyền thông được quan tâm và tiến hành bài bản, chuyên nghiệp cả trước, trong và sau Hội thảo. Chính vì thế Hội thảo đạt được hiệu ứng xã hội tốt, có sức lan tỏa lớn, thu hút được sự chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, nội dung các tin bài phong phú, có chất lượng, thì hình thức chuyển tải thông tin, thiết kế tin bài cũng rất mới mẻ, sinh động, hấp dẫn theo hướng truyền thông đa phương tiện, kết hợp văn bản với hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, màu sắc bắt mắt...

Tóm lại, đây là một Hội thảo có sự đổi mới trên nhiều phương diện: sự  quan tâm lắng nghe từ đầu đến cuối của những người chủ trì; sự cởi mở, thẳng thắn trong trao đổi, thảo luận, phản biện; tính tương tác cao cả trong Hội trường lẫn trực tuyến; các đề xuất, kiến nghị của Hội thảo được chốt lại ngay bằng những kết luận cụ thể và có tính khả thi. Chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng Hội thảo đã thành công 200%. Điều đó thật là vui!

Để tiếp tục lan tỏa nội dung của Hội thảo Văn hóa 2022, tạo hiệu ứng tích cực rộng rãi trong cộng đồng, sau khi kết thúc hội thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Ban Tổ chức Hội thảo nên truyền thông sâu rộng những vấn đề căn cốt, trọng tâm, nhất là những vấn đề còn gây tranh cãi, những điểm nghẽn, nút thắt cần tháo gỡ mà hội thảo quan tâm, từ đó thu thập các ý kiến phản hồi, đóng góp, hiến kế của các tầng lớp xã hội.

Đặc biệt, nên mở các Diễn đàn/Chuyên đề trên báo chí, truyền hình, nhất là trên mạng xã hội trong thời đại công nghệ số để lấy ý kiến của đông đảo nhân dân. Sử dụng các nhân vật có ảnh hưởng để trao đổi về những vấn đề nóng của hội thảo, tạo được sự tranh biện, phản biện, thảo luận của xã hội...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông, bà!

Thu Phương