PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

23/12/2022

Quan tâm đến Hội thảo Văn hóa 2022, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, để các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá (DSVH), điều kiện tiên quyết đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước...

TẬP TRUNG CÁC NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN, BAO TRÙM CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Di sản văn hoá một thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển văn hoá giai đoạn 2020-2030

Nhấn mạnh di sản văn hoá một thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển văn hoá giai đoạn 2020-2030, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, việc bảo tồn DSVH là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hoá. Vì hàm chứa các giá trị văn hoá cốt lõi của quốc gia dân tộc, DSVH có khả năng đóng góp to lớn cho yêu cầu xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và có văn hoá (sự ổn định xã hội) là yếu tố quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững. Cũng có thể coi đây là “sức mạnh mềm”/thế mạnh của Việt Nam.

Bảo vệ DSVH tạo cơ sở khoa học nhằm cung cấp cho xã hội những dạng thông tin nguyên gốc, chân thực chứa đựng nguồn tri thức dân gian/bản địa, kinh nghiệm và bài học lịch sử có ích cho thế hệ hôm nay hiểu đúng về quá khứ, nhận thức đúng về hiện tại và định hướng tương đối chính xác cho xu thế phát triển của đất nước và cả nhân loại để có phương thức ứng xử phù hợp nhất, có lợi nhất cho quốc gia dân tộc.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia

PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra 12 định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đảng ta luôn chủ trương kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò tổng hợp của toàn xã hội, của các đoàn thể xã hội, cộng đồng cư dân ở các địa phương, của gia đình, các dòng họ và nhà trường cho việc chăm lo xây dựng con người, tạo lập hệ giá trị văn hoá của từng cá nhân con người Việt Nam.

Hệ giá trị con người Việt Nam phải là cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hoá của quốc gia dân tộc. Theo đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Hệ giá trị văn hoá thể hiện rõ 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, hoạt động bảo tồn DSVH Việt Nam có mục tiêu quan trọng là góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hoá Việt Nam và thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách đầu tư cho hoạt động bảo tồn DSVH là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho ngành Di sản

PGS.TS Đặng Văn Bài nêu rõ, đối tượng cần được ưu tiên bảo tồn chính là các giá trị văn hoá/yếu tố cốt lõi - yếu tố bất biến trong DSVH. Đối với cộng đồng quốc gia các dân tộc Việt Nam, yếu tố bất biến/tính vĩnh cửu bao giờ cũng là lợi ích cốt lõi của quốc gia: Độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và phồn vinh hạnh phúc của toàn thể nhân dân.

Diện mạo Cố đô Huế hồi sinh nhờ công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn.

Các giá trị văn hoá được tích hợp và “vật chất hoá” vào trong các loại hình DSVH: (1) DSVH phi vật thể; (2) DSVH vật thể (các di tích lịch sử - văn hoá). (3) Di sản tư liệu, (4) các bộ sưu tập hiện vật gốc của bảo tàng (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…).

DSVH còn được tiếp cận theo từng cấp độ từ thấp đến cao theo tuần tự: (1) DSVH của gia đình - dòng họ, (2) DSVH làng xã, (3) Di sản đô thị hay đô thị di sản, (4) Di sản ở cấp vĩ mô là lãnh thổ của một quốc gia dân tộc được cộng đồng các dân tộc cùng chung tay xây dựng và đồng lòng hy sinh máu xương, thậm chí cả tính mạng của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ đó qua hàng ngàn năm lịch sử.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng,tính đa dạng và phức hợp trong DSVH đòi hỏi phải xác định rõ các mục tiêu và đối tượng cần được ưu tiên bảo tồn cũng như việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy và cơ chế chính sách đồng bộ cho các hoạt động bảo tồn DSVH.

Luật Di sản văn hoá cần được kịp thời sửa đổi, bổ xung và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo tồn DSVH trong quá trình phát triển mới của đất nước

Luật Di sản văn hoá năm 2001, được sửa đổi bổ sung năm 2009 đã tạo ra động lực mới với hành lang pháp lý rộng mở để thu hút nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho các hoạt động bảo tồn DSVH.

Luật Di sản văn hoá đã từng bước cụ thể hoá và pháp điển hoá các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tới nhiều lĩnh vực DSVH. Ngay trong lời mở đầu của Luật Di sản văn hoá, Quốc hội đã khẳng định “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”.

Cùng với các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hoá, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận thấy, hoạt động bảo tồn DSVH cũng có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước trong hơn 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, thực tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm phát huy cao độ năng lực tinh thần của con người Việt Nam cả về trí tuệ, đạo đức tâm hồn và khát vọng cống hiến góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc. Vì vậy, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, rất cần phải điều chỉnh và hoàn thiện Luật Di sản văn hoá năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 để bảo tồn DSVH Việt Nam thực sự gắn kết với phát triển bền vững.

Luật Di sản văn hoá phải pháp điển hoá và cụ thể hoá một cách đồng bộ hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực DSVH

Từ những phân tích nêu trên, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, muốn đạt được các mục tiêu lớn đặt ra trong chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, cần thiết phải có các chính sách đồng bộ để nâng cao quyền thống nhất nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn DSVH theo hướng thực hiện phân cấp, phân quyền giữa cơ quan trung ương và cơ quan quản lý các cấp chính quyền tại địa phương, tạo cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành thuộc Chính phủ và UBND các cấp, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý DSVH, đặc biệt là các chủ sở hữu (cộng đồng, cá nhân, dòng họ) về DSVH.

Đồng thời, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh, tăng cường nguồn lực đầu tư ngân sách của nhà nước, tạo cú hích lớn trong các hoạt động bảo tồn DSVH là một chính sách cần được thực hiện theo các thứ tự ưu tiên là:

(1) huy động các phương tiện thông tin đại chúng vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới DSVH, mở rộng chương trình giáo dục DSVH nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò của DSVH trong phát triển bền vững;

(2) đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực của các nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn DSVH (nghiên cứu, quản lý, nghiệp vụ và chủ thể thực hành văn hoá);

Cảnh quan môi trường khu vực Đại Nội Huế được cải tạo sạch đẹp hơn.

(3) đầu tư các chương trình, quy hoạch, dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá với tư cách là một thiết chế đa năng (thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng, thiết chế văn hoá ở cơ sở, không gian văn hoá công cộng và sáng tạo, tài nguyên nhân văn - hạt nhân cho việc sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn), các đề án bảo tồn DSVH phi vật thể, hỗ trợ các nghệ nhân thực hành DSVH phi vậ thể ở các không gian (đô thị di sản, di sản văn hoá làng, di sản văn hoá gia đình - dòng họ) văn hoá ngay tại địa phương;

(4) đầu tư cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu di sản văn hoá bằng công nghệ số;

(5) đầu tư cho việc nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày của các bảo tàng đang hoạt động theo hướng khai thác thế mạnh của thiết bị kỹ thuật hiện đại và công nghệ số. Đồng thời có kế hoạch xây dựng các bảo tàng mới để hoàn chỉnh từng bước hệ thống mạng lưới bảo tàng trong cả nước.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đặng Văn Bài kiến nghị cần có chính sách ưu tiên nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội (cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp) tự nguyện phát huy sáng kiến, ý tưởng và đóng góp công sức, kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH như: chính sách về đất đai (cho bảo tàng ngoài công lập), chính sách về thuế cho các doanh nghiệp đóng góp tài chính cho việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá. Cho phép thành lập các Quỹ di sản văn hoá ở các địa phương (Huế là một trường hợp điển hình). Rất cần khuyến khích thể nghiệm hình thức “hợp tác công - tư” trong bảo tồn di tích, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý, các nhà khoa học, cộng đồng cư dân địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có liên quan tới DSVH.

“Bảo tồn DSVH là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng pháp luật và chính sách bao giờ cũng là “bà đỡ” kiến tạo cơ hội và định hướng cho các hoạt động đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất”, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định./. 

Bích Ngọc