TÍCH CỰC TRIỂN KHAI BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ THỰC THI CÁC LUẬT VỪA ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4

02/12/2022

Chiều 02/12, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các cơ quan đã trao đổi, làm rõ một số nội dung mới của các luật mới được ban hành.

HỌP BÁO CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ 06 LUẬT ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Tại họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các Lệnh về việc công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của các luật và trao đổi, làm rõ một số vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan đến nội dung các luật vừa mới được ban hành.

Tiến tới khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

Trả lời câu hỏi về việc khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra là vấn đề đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại kỳ họp cũng như làm rõ trách nhiệm trong trường hợp chậm ban hành kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm làm rõ một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Thanh tra chính là nhằm khắc phục tình trạng này; đồng thời, khẳng định khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực và đi vào triển khai thực hiện chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm ban hành kết luận thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giới thiệu Luật Thanh tra năm 2022 và trả lời câu hỏi của báo chí

Nêu rõ các nội dung trong Luật Thanh tra năm 2022 đã thể hiện rõ điều này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm dẫn chứng, Điều 73 Luật Thanh tra quy định đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành thì thời gian xây dựng, báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Tương tự sau khi có kết quả thanh tra xong thì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra cũng được rút ngắn.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng và thời gian ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng có quy định đối với những cuộc thanh tra khi chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì Trưởng đoàn thanh tra sẽ không được bố trí làm cuộc thanh tra khác để tập trung làm xong thì mới tiếp tục làm. Cùng với đó,

Gần đầy nhất, trên cơ sở đó, theo ông Liêm, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quy chế cho đoàn thanh tra, quy định rất cụ thể và rõ trách nhiệm trong việc ban hành kết luận thanh tra. Những quy định này sẽ siết chặt, bảo đảm đúng theo thời gian quy định về xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra.

Các đại biểu tham dự họp báo

Trước đó, khi giới thiệu một số nội dung chính của Luật, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật Thanh tra năm 2022 có 08 chương với 118 Điều. Một số điểm mới của Luật như cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra. Luật quy định linh hoạt về việc thành lập Thanh tra sở.

Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra từ chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ. Một số quy định trước đây về hoạt động thanh tra trong các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư, qua thực tiễn áp dụng có hiệu quả đã được nâng lên thành quy định của luật để nâng cao hiệu lực cũng như tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng.

Luật đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79). Đặc biệt, giám sát hoạt động đoàn thanh tra cũng là một trong những nội dung mới của Luật nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra.

Toàn cảnh họp báo

Bảo đảm cơ sở pháp lý nhận diện các nguy cơ, rủi ro về rửa tiền

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 như việc nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế số; phòng, chống rửa tiền trong những lĩnh vực có nguy cơ cao như bất động sản, chứng khoán; việc quản lý tiền ảo và phòng ngừa rủi ro…Trả lời vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Tạ Quang Đôn cho biết trong hoạt động phòng chống rửa tiền của các cơ quan chuyên môn luôn cập nhật tình hình để sớm nhận diện các hoạt động rủi ro, nguy cơ cao.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, khoản 3 Điều 4 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng quy định: “Chính phủ quy định hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”. Hay tại Điều 7 về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền quy định Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể rủi ro về rửa tiền. Đây là những quy định cơ bản nhất để tạo cơ sở pháp lý cho việc nhận diện và có biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với những vấn đề mới phát sinh, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn trả lời câu hỏi tại họp báo

Liên quan đến quản lý tiền ảo, tài sản ảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có giao các bộ, ngành nghiên cứu ban hành quy định làm cơ sở quản lý vấn đề này.

Liên quan đến hoạt động chứng khoán, bất động sản có nguy cơ cao về rửa tiền, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Luật lần này đã có các quy định cụ thể từ nhận biết khách hàng, đối tượng báo cáo, các dấu hiệu đáng ngờ, giao dịch đáng ngờ. Trong đó, đã có các quy định cụ thể về các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và đối tượng báo cáo phải thực hiện phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến tổ chức thực thi, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định từ khi trình dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã trình kèm theo dự thảo nghị định, quyết định và thông tư hướng dẫn bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để rà soát, hoàn thiện các dự thảo để bảo đảm khi luật chính thức có hiệu lực thi hành thì các văn bản hướng dẫn cũng được ban hành, không để có khoảng trống trong quá trình thi hành luật.

Thêm ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Trả lời câu hỏi liên quan để tác động của Luật Dầu khí sau khi có hiệu lực thi hành, đại diện Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, hoạt động dầu khí phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức dẫn đến suy giảm trữ lượng khai thác, khó khăn triển khai dự án mới. Tuy nhiên hoạt động dầu khí vẫn đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Kì vọng của Quốc hội và Chính phủ khi sửa đổi Luật lần này là có thêm những chính sách mới ưu đãi cho hoạt động dầu khí trong thềm lục địa nước ta, bên cạnh ưu đãi thông thường là những ưu đãi đặc biệt, tận thu khai thác ở các mỏ cuối khai thác, khai thác cận biên nhằm tăng nguồn thu. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, khắc phục chồng chéo các luật liên quan để tăng tính chủ động, hấp dẫn đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022

Trước đó giới thiệu nội dung chính của Luật Dầu khí năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc xây dựng Luật Dầu khí năm 2022 nhằm đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Với các chính sách mới được xây dựng, Luật Dầu khí năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Để bảo đảm các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Công Thương đang phối với với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong Nghị định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Dầu khí năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn Luật; rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm đủ năng lực để tổ chức triển khai thi hành Luật Dầu khí năm 2022./.

Bảo Yến - Phạm Thắng