HỌP BÁO CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ 06 LUẬT ĐÃ ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XV THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4

02/12/2022

Chiều 02/12, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, thay mặt Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

 

Tham dự họp báo còn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng đông đảo phóng viên, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Tại họp báo, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố các Lệnh về việc công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Quy định rõ để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền

Giới thiệu Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 gồm 4 chương, 66 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nêu rõ, so với Luật năm 2012, Luật năm 2022 có các nội dung mới cơ bản liên quan đến đối tượng báo cáo; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; quy định về đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh giới thiệu Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Luật đã bổ sung quy định về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt. Luật cũng quy định đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và việc áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Quản lý tài nguyên tần số minh bạch và cạnh tranh

Giới thiệu nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nêu rõ Luật lần này hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng tập trung vào các nhóm chính sách mới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long giới thiệu nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Trong đó, Luật có quy định tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Việc đấu giá, thi tuyển dựa trên các tiêu chí mức trả tiền cấp quyền sử dụng tần số và cam kết của doanh nghiệp về phát triển về mạng viễn thông.

Nhằm thực hiện xã hội hóa việc việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, nghiệp dư, Luật mới cho phép các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, nghiệp dư, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 để các tổ chức đào tạo có thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ các quy định theo luật.

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An

Luật Dầu khí năm 2022 có một số điểm mới như: Bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu; bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan; bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí.

Luật bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí...

Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, với các chính sách mới nêu trên, Luật Dầu khí năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự họp báo

Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình

Giới thiệu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật gồm 6 chương, 56 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ, Luật có một số điểm mới như đã tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật năm 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bổ sung Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ 

Giới thiệu Luật Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ Luật có 8 chương với 118 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm 

Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành kết luận thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước. Chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.

Luật cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có, nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp đó là theo quy định của luật; theo quy dịnh của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tuân theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể những nội dung Nhân dân bàn và quyết định

Giới thiệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Luật gồm 6 chương, 91 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng

Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai. Hình thức, thời điểm công khai thông tin, trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai. Quy định những nội dung Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định cụ thể nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát, trách nhiệm trong việc bảo đảm để Nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát… 

Luật đã quy định cụ thể những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định; hình thức Nhân dân bàn và quyết định; quyết định của cộng đồng dân cư; trách nhiệm của UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và Nhân dân trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư.

Cũng tại họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của các luật và trao đổi, làm rõ một số vấn đề các phóng viên quan tâm liên quan đến nội dung các luật vừa mới được ban hành.

Một số hình ảnh tại cuộc họp báo:

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Toàn cảnh họp báo

Các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành tham dự họp báo

Các đại biểu tham dự họp báo

Các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tham dự họp báo

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời câu hỏi tại họp báo

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu kết thúc họp báo

Bảo Yến - Phạm Thắng