THẮT CHẶT QUAN HỆ HỮU NGHỊ, ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC KHU VỰC NAM THÁI BÌNH DƯƠNG
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÊN ĐƯỜNG THĂM CHÍNH THỨC AUSTRALIA VÀ NEW ZEALAND
Ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam
Phóng viên: Xin cảm ơn Phó Đại sứ đã nhận lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa ông, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hiện bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia, xin ông cho biết ý nghĩa của chuyến thăm này, nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2 năm sau?
Ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam: Trước hết, xin cảm ơn Truyền hình Quốc hội đã cho tôi cơ hội được trò chuyện với khán giả về chuyến thăm này.
Tôi nghĩ rằng, năm 2023 là thời điểm quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Australia. Chuyến thăm này là cơ hội để chúng ta nhìn lại những gì đã đạt được trong 50 năm qua, đồng thời hướng tới một kỷ nguyên hợp tác mới.
Cụ thể, chuyến thăm sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực giáo dục. Điều này rất quan trọng, bởi giáo dục chính là nền tảng của mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam. Hiện chúng tôi đang có một mạng lưới với hơn 80.000 sinh viên Việt Nam từng học tại các trường đại học Australia và đã trở về Việt Nam. Trong số đó có cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từng học tại trường đại học Swinburne tại Melbourne vào đầu những năm 2000.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ dẫn theo một phái đoàn thương mại và đầu tư rất quan trọng, tập trung vào việc phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiện vẫn còn nhiều việc phải làm, cũng như còn nhiều những cơ hội đầu tư.
Ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên
Tôi tin chắc rằng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tìm ra được những cơ hội đó cùng với các đối tác tại Australia. Cuối cùng, tôi cho rằng, chuyến thăm sẽ tập trung rất nhiều vào vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Bởi Việt Nam và Australia đều đã đã cam kết tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra ở Glaslow.
Phóng viên: Với rất nhiều chương trình nghị sự như vậy, theo ông, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sẽ mở ra triển vọng hợp tác trong lĩnh vực nghị viện như thế nào giữa hai nước?
Ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam: Quốc hội Australia và Việt Nam đã hợp tác với nhau từ lâu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Australia lần này với tư cách là khách mời của Quốc hội Australia. Ông đã nhận được lời mời đặc biệt, trực tiếp từ Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines, cùng với Chủ tịch Hạ viện Australia Milton Dick.
Đáng chú ý, đây là lời mời đầu tiên được gửi cho một nhà lãnh đạo nước ngoài, kể từ sau cuộc bầu cử Australia 6 tháng trước. Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm này.
Chúng ta có một bản ghi nhớ (MRU) về việc hợp tác giữa 2 quốc hội, biên bản này đã được triển khai từ năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và những người đồng cấp sẽ cùng làm việc liên quan đến bản ghi nhớ này, nhằm tìm kiếm các phương án để hợp tác sâu hơn nữa.
Tôi chắc rằng, ngài Chủ tịch sẽ nhìn thấy 2 bên đã đạt được nhiều thành tựu như thế nào. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam. Chúng tôi cũng đã hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế Việt Nam trong việc hỗ trợ soạn thảo các luật liên quan đến nạn rửa tiền. Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác của Việt Nam, đặc biệt là về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực đào tạo, dưới sự bảo trợ của trung tâm Việt Nam - Australia, được thành lập gần đây tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Và chúng tôi mong muốn triển khai các cơ hội để đào tạo thêm cho các quan chức Quốc hội VN thông qua cơ chế đó.
Phóng viên: Theo Phó Đại sứ, trong thời gian tới, hai nước sẽ có thêm triển vọng hợp tác trong những lĩnh vực nào khác?
Ông Mark Tattersall - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam: Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác chiến lược từ năm 2018. Mối quan hệ giữa 2 nước đã được hình thành dựa trên sự hợp tác và phát triển về kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng. Chúng tôi đang thảo luận về việc nâng tầm mối quan hệ này trong tương lai. Đặc biệt về kinh tế, chúng ta rất may mắn, bởi các nền kinh tế của chúng ta bổ trợ cho nhau thay vì cạnh tranh với nhau. Đây là một tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn của chúng ta.
Chúng ta đã hoàn thiện và nâng cao chiến lược tham gia kinh tế từ tháng 11 năm 2021 và kể từ đó, chúng ta cũng đã được chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, với mức tăng trưởng kinh tế gần 30% vào năm 2021, cùng với tổng sản lượng nông nghiệp tăng hơn 90%.
Ngoài ra, chắc chắn hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác thêm trong các vấn đề về khí hậu và năng lượng thời gian tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Đại sứ!