ĐBQH LÊ XUÂN THÂN: CẦN QUY ĐỊNH RÕ VỀ QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT, QUYẾT ĐỊNH GIAO ĐẤT

29/11/2022

Bày tỏ tán thành cao về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho rằng Dự luật cần tiếp tục quy định rõ về quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Quy định rõ quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất

Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng việc sửa đổi Luật này là bước đầu để thể chế hóa đường lối của Đảng qua Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương. Tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo luật, đại biểu đã đưa ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, khoản 4 Điều 82 của dự thảo có quy định "sau 3 năm kể từ khi cơ quan nhà nước phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định". Đại biểu chỉ ra rằng, điều này đã được quy định ở Điều 49 của Luật Đất đai 2013 và năm 2020 Quốc hội khóa XIV sửa Luật Xây dựng cũng nêu nội dung này. Có nghĩa là đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất và không làm, không điều chỉnh, không hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ mà không công bố thì người dân, người sử dụng đất được sử dụng quyền của mình, nghĩa là không có hạn chế theo quy định của luật. Tuy nhiên, luật chỉ quy định có 1 chiều là về phía của người dân có quyền nhưng luật thiếu quy định là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước đối với quy định này.

Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà phát biểu

Theo đại biểu, thực tế kế hoạch sử dụng đất nếu năm đó không thực hiện hoặc 3 năm không thực hiện thì vẫn tiếp tục chuyển sang năm tiếp theo và từ đó dẫn đến một tình trạng các quyết định thu hồi đất, ví dụ năm 2022 vẫn có những nơi đưa quyết định thu hồi đất từ năm 2013, năm 2014 ra để tổ chức thi hành, vì chưa làm. Như vậy, trong Luật Đất đai hiện tại và trong Dự thảo cần có quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền này của người sử dụng đất.

Thứ hai, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cấp huyện sau khi đã công bố, đã làm và quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành thì phải có thời hạn, hiện nay là 36 tháng hoặc 48 tháng. Trong Dự thảo luật có quy định đất nông nghiệp là 36 tháng không thực hiện thì thu hồi và đất giao cho làm dự án quá 48 tháng so với tiến độ thì thu hồi. Theo đại biểu, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất và kế hoạch sử dụng đất cũng phải quy định là 36 tháng hết hiệu lực, chấm dứt, như vậy sẽ thanh toán, đảm bảo dự án không kéo dài, quyền của người dân không bị ảnh hưởng và tất cả các quy định coi là quá hạn, vi phạm pháp luật về đất đai thì cần phải chấm dứt dự án, cần phải chấm dứt kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Yêu cầu phải nâng cao chất lượng của Hội đồng thẩm định giá đất

Đối với nội dung về Hội đồng thẩm định giá đất được quy định tại Điều 166 của Dự thảo. Đại biểu nêu rõ, Điều 166 dự thảo về Hội đồng thẩm định giá đất quy định: "Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Tài chính là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng". Như vậy là gốm 14 sở ngành, trong đó có tài chính, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải, công thương, công an, tư pháp, thanh tra, cục thuế, Ủy ban cấp huyện và có cả đại diện của Hội đồng nhân dân và đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tương tự cấp huyện cũng vậy. Theo đại biểu, quy định như thế là quá đông nhưng không ai có nghề định giá đất, không có nghiệp vụ và hoàn toàn theo cơ chế cảm tính. Như vậy, tuy là thành phần thẩm định giá đất nhưng không có nghề, không biết gì về giá đất, dẫn đến tình trạng Hội đồng này được giao nhiệm vụ thẩm định lại giá đất của tư vấn là cơ quan chuyên môn. Trong luật quy định rất rõ trình độ tư vấn viên thế nào, nhưng Hội đồng thẩm định giá đất lại xem xét trở lại kết quả của người có nghề định giá đất.

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng việc quy định như vậy sẽ khó khăn khi thực hiện, trong khi Nghị quyết 18 yêu cầu phải nâng cao chất lượng của Hội đồng thẩm định giá đất. Do đó, đại biểu đề nghị:

Một là, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ kiểm tra về quy trình, thủ tục để trình Chủ tịch tỉnh ký về giá đất cụ thể, không thẩm định về nội dung giá đất, vì không có chuyên môn.

Hai là, vận dụng quy định của giám định viên, áp dụng Luật Giám định tư pháp và Hội đồng định giá đất trong tố tụng hình sự để đưa ra một quy định về tổ chức thẩm định viên và tổ chức về thẩm định giá đất.

Theo đó, nên xã hội hóa công việc này, có nghĩa là cho dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá đất, hoàn toàn độc lập với cơ quan chính quyền. Sau khi tư vấn về giá đất trình thì thẩm định lần thứ nhất, thấy hợp lý thì trình để duyệt, nếu cảm thấy chưa yên tâm thì thẩm định bổ sung bằng một hội đồng. Thẩm định thứ ba thẩm định lại. Cơ chế làm việc hoàn toàn độc lập, những người thẩm định viên về giá đất phải là những người trên tư vấn viên về giá đất một bậc thì mới thẩm định lại kết quả của người ta. Có như vậy thì giá đất mới sát giá thị trường như ý của dự thảo đã nêu.

Đại biểu nhấn mạnh, quy định như vậy sẽ bảo đảm được tài sản không bị thất thoát và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước rõ ràng, đồng thời sử dụng được nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng tư vấn viên và thẩm định viên về giá đất.

Hồ Hương