QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, đại biểu Siu Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, căn cứ văn bản chỉ đạo của Đảng và các căn cứ pháp lý, trên cơ sở tình hình thực tiễn đã xảy ra một số sự biến thiên tai, dịch bệnh trong những năm vừa qua thì việc ban hành dự án luật là cần thiết để đảm bảo tình thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trong tình huống xảy ra. Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự án Luật cần chú trọng quan tâm đến nội dung sau:
Thứ nhất, Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự cần quy định rõ hơn về khái niệm tình trạng khẩn cấp. Trên cơ sở dự án Luật cho thấy, nhiều quy định liên quan đến cụm từ tình trạng khẩn cấp, ví dụ: điểm d khoản 2 Điều 21, khoản 4 Điều 22) và Mục 4,… Nếu như Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 quy định chi tiết tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm, thì căn cứ ban hành Nghị định có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; một số như Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Phòng, chống thiên tai và thực tiễn đối phó với tình trạng dịch bênh Covid-19 cho thấy, có giai đoạn cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao hơn và lâu dài hơn. Tuy nhiên chúng ta lại thiếu đi hành lang pháp lý thống nhất để điều chỉnh. Vì vậy, để quy định mang tính chung nhất về phòng, chống khắc phục hậu quả, thảm họa, sự cố, thiên tai thì việc làm rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp trong luật là hết sức cần thiết.
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.
Thứ hai, huy động trong phòng thủ dân sự. Để ứng phó kịp thời và khắc phục tình trạng khẩn cấp, thiên tai,… thì việc huy động nguồn lực là điều cần thiết. Như việc huy động trong trường hợp này cần phân biệt với trựng mua, trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Tuy nhiên, quy định này cần đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan để tạo sự thống nhất trong thực hiện đảm bảo việc huy động hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí. Quy định trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chưa quy định rõ nội dung này như trong Luật Trưng mua, trưng dụng về thẩm quyền thực hiện.
Thứ ba, vai trò của lực lượng quân đội. Thực tiễn giải quyết vấn đề đã khẳng định vai trò của lực lượng quân đội trong giải quyết sự cố là rất quan trọng, đã thể hiện trong dự án luật một số nhiệm vụ cụ thể như: Điều 16. Đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; Điều 38. Lực lượng phòng thủ dân sự; … Tuy nhiên, theo đại biểu Siu Hương, cần cụ thể hơn một số nhiệm vụ của Quân đội trong việc xây dựng phương án phòng thủ dân sự trình cấp có thẩm quyền, cũng như hướng dẫn cho chính quyền khi xây dựng phương án phòng thủ dân sự trình lãnh đạo địa phương.
Thứ tư, sử dụng quỹ (Điều 44). Theo quy định thì quỹ phòng thủ dân sự ngoài ngân sách Nhà nước. Đặt trường hợp khi xảy ra các sự biến xảy ra phòng thủ dân sự thì các tổ chức, cá nhân mang tính thiện nguyện thực hiện với các chương trình thì có được xem là một phần kinh phí trong phòng thủ dân sự để tránh tình trạng lợi dụng sự biến để vụ lợi (vụ lợi ở đây không chỉ là vật chất mà cả đánh bóng tên tuổi, nghề nghiệp,….)
Thứ năm, một số yếu tố kỹ thuật trong soạn thảo văn bản. Theo đại biểu Siu Hương, cần giải thích các khái niệm “hàng hóa thiết yếu” (khoản 3, Điều 25) và “nhu cầu thiết yếu” quy định (Điều 35, khoản 1, điểm đ) trong dự án Luật./.