THẢO LUẬN TỔ 12: THỂ CHẾ ĐÚNG TINH THẦN NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀ PHẢI CỤ THỂ HƠN, KHẢ THI VÀ HIỆU QUẢ

03/11/2022

Sáng 03/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương, Tp.Hải Phòng, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013.

THẢO LUẬN TỔ 12: BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG NỀN KINH TẾ SỐ

THẢO LUẬN TỔ 12: QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TRÚNG ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE ĐỂ TRÁNH TRỤC LỢI, ĐẦU CƠ

THẢO LUẬN TỔ 12: TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 LÀ MINH CHỨNG RÕ RÀNG VỀ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ BAN HÀNH

Thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương, Tp.Hải Phòng

Các đại biểu đều thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời chia sẻ đây là nhiệm vụ khó khăn là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực , cố gắng của các cơ quan.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu đều bày tỏ kỳ vọng sửa đổi Luật lần này thể chế được đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” song cần có sự cụ thể hóa, bảo đảm tính khả thi. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nhấn mạnh Nghị quyết 18 vừa là thuận lợi vừa là áp lực đối với cơ quan soạn thảo đòi hỏi cơ quan soạn thảo suy nghĩ kỹ vừa bám sát được và tinh thần của Nghị quyết để thể chế hóa một cách rõ ràng, rành mạch. Càng rõ ràng bao nhiêu thì đất nước và Nhân dân được nhờ bấy nhiêu.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương chỉ rõ chương 7 của dự thảo Luật quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất bắt đầu từ Điều 97 được quy định dựa trên căn cứ vào Nghị quyết số 18-NQ/TW như cách thể hiện của Điều 97 về nguyên tắc quy định giống hệt như Nghị quyết. Trong khi Nghị quyết có tính định hướng, Luật cần phải cụ thể hóa rõ nội dung của Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát giải thích từ ngữ, cách sử dụng các thuật ngữ trong dtự thảo Luật để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, thống nhất trong chính Luật này và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi chỉ rõ, dự thảo Luật quy định về “đất ngập nước ven biển kéo dài ra đến 6 hải lý”. Đại biểu cho rằng nếu quy định theo hướng này sẽ xảy ra xung đột với Luật Biển và Luật Tài nguyên và môi trường biển và hải đảo cũng do chính Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trước đây.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần làm rõ đặc trưng và có quy định riêng đối đất ngập nước ven biển để tránh đồng nhất với đất lãnh thổ và cũng không nên xác định đất ngập nước ven biển kéo dài đến 6 hải lý là chưa phù hợp bởi khi kéo dài ra ngoài hưn 3 hải lý vùng ấy bản chất tự nhiên sử dụng khác. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng đề nghị rà soát để tránh trường hợp tham vọng luật này lại gây phức tạp cho nhiều luật khác. 

Có cùng đề nghị rà soát các thuật ngữ trong dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ rõ dự thảo Luật sử dụng rất nhiều thuật ngữ “cá nhân”, “tổ chức”, “người sử dụng đất” trong phạm vi điều chỉnh, trong giải thích từ ngữ và trong tất cả các chương nhưng có lúc chưa thống nhất. Có nơi dùng là “người sử dụng đất”; có nơi sử dụng “cá nhân”, “tổ chức” lại người sử dụng đất. Do đó cần phải chuẩn hóa để tránh sự hiểu đa nghĩa. Có thể gọi là chủ thể sử dụng hay đối tượng sử dụng hay giải thích để thống nhất trong thuật ngữ.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH An Giang

Ngoài ra đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng cho biết một số quy định như về quy hoạch sử dụng đất cần giải thích đồng bộ với Luật Quy hoạch; hay tình trạng khẩn cấp cần đồng bộ với Luật Quốc phòng, Luật An ninh, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rõ về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh; đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong trưng dụng đất…

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến chia sẻ đây là một đạo luật lớn, khó và phức tạp, tác động tới tất cả các mối quan hệ trong xã hội Mặc dù đã có nhiều lần sửa đổi nhưng thực tiễn nhiều vấn đề phát sinh. Do đó, lần này quyết tâm sửa đổi để gỡ các điểm, nút thắt, điểm khó khăn của Luật Đất đai đảm bảo tính đồng bộ với các đạo luật khác. Đại biểu cũng chia sẻ để giải quyết hết cả vướng mắc một lúc, bảo đảm thống nhất hết các nội dung cùng một lúc không phải là điều đơn giản. Vì vậy các cơ quan sẽ cùng nhau tham gia góp ý để thảo luận, từng bước cố gắng để đạt được hiệu quả tối đa, bảo đảm chất lượng nhất.

Đại biểu Lương Quốc Đoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu cũng đề cập đến nhiều nội dung lớn của dự án Luật như về đền bù tái định cư, giải quyết tranh chấp đất đai, tích tụ ruộng đất. Theo đó, đại biểu Lương Quốc Đoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ ra một số vướng mặt hiện hành như chênh lệch địa tô là một trong những vấn đề bức xúc khá lớn, đặc biệt là đối với người dân trong diện và bị thu hồi đất trong quá trình phát triển xây dựng các đô thị. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có những điểm không nhất quán dẫn đến chênh lệch. Vấn đề bảo đảm kế sinh nhai cho người dân, nhiều vùng tái định cư không bảo đảm đời sống cho người dân; việc đền bù, hỗ trợ để người dân có ở nơi ở mới tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất khó xác định. Do đó, đại biểu đề nghị  quan tâm cụ thể đến khảo sát, đánh giá tạo sinh kế cho những người mà bị mất đất, đặc biệt là trong sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết thêm vấn đề đến bù giải phóng mặt bằng của Việt Nam hiện thực hiện còn nhiều tồn tại hạn chế. Qua giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng chỉ ra hạn chế này. Đây là lãng phí lớn. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cùng thực hiện dự án tại Việt Nam nhưng những dự án sử dụng vốn ODA hay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có công tác chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian hơn nhưng công tác tái định cư làm rất tốt.

Theo đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tiền khả thi làm đồng thời với báo cáo xã hội và tái định cư. Trong khi đó các dự án đầu tư công của ta lại thường giao tái định cư cho địa phương, nên gây ra bất cập. Đại biểu cho rằng về nguyên tắc là bảo đảm người dân vùng dự án sau khi di dời có được cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn nhưng nếu không đánh giá kỹ sẽ không biết được người dân có thực sự có cuộc sống tốt hơn hay không.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ

Bảo Yến - Phạm Thắng