ĐBQH NGUYỄN VĂN THUẬN: CÒN TÌNH TRẠNG MUA BÁN, SỬ DỤNG THÔNG TIN NGƯỜI TIÊU DÙNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

03/11/2022

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, vẫn còn tình trạng mua bán, sử dụng thông tin người tiêu dùng nhằm mục đích thương mại. Do vậy, đề nghị quy định bổ sung hành vi này vào các hành vi bị cấm tại Điều 17 của dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

CẦN CÓ CƠ CHẾ QUẢN LÝ TỐT HƠN SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRƯỚC KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG VÀ LÊN MẠNG XÃ HỘI

Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong 07 dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, qua gần 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 (được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII ngày 17/11/2010), đã phát huy tác dụng góp phần bảo vệ chế định về quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đắc lực cho quá trình hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa của đất nước.


Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, cùng với xu thế phát triển kinh tế-xã hội, Luật 2010 cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua nghiên cứu Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần bổ sung, giải trình, làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất: Tại Điều 4 về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 5 về chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài những nguyên tắc và chính sách đã nêu, đề nghị nghiên cứu bổ sung hoặc lồng ghép nội dung nguyên tắc và chính sách của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương. Vì đây là nhóm người tiêu dùng hiện vẫn còn khá đông, thiếu kiến thức và thông tin về thị trường, dễ bị lường gạt, lừa đảo trong mua hoặc sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình, nhằm phù hợp với nội dung quy định tại Điều 7 (Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương) của Dự án Luật.

Thứ hai: Tại Điều 9 về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là nội dung được quy định cụ thể, rõ hơn trong dự án Luật được sửa đổi lần này. Tuy nhiên, đối với việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải xây dựng chính sách bảo vệ thông tin với 4 nội dung quy định tại khoản 1 Điều 9 (Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng).

Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải xây dựng chính sách bảo vệ thông tin áp dụng chung cho người tiêu dùng với các nội dung sau: Mục đích thu thập thông tin; Phạm vi sử dụng thông tin; Thời hạn lưu trữ thông tin; Biện pháp bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng.


Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận (ngoài cùng bên trái).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, các nội dung trên rất quan trọng bởi trên thực tế hiện nay việc mua hàng online, kinh doanh trên không gian mạng rất nhiều. Thông tin người dùng được cung cấp tràn lan, tình trạng đánh cắp thông tin, sử dụng thông tin ngoài phạm vi vẫn còn diễn ra. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có cần thiết quy định cụ thể các nội dung này, ấn định thời gian lưu trữ thông tin người dùng cho phù hợp với những loại hình giao dịch không. Hơn nữa, thực tế còn có tình trạng mua bán, sử dụng thông tin của người tiêu dùng nhằm mục đích thương mại. Do vậy, đề nghị quy định bổ sung hành vi này vào các hành vi bị cấm tại Điều 17 (mặc dù điểm q, khoản 1 Điều 17 có quy định: Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định pháp luật) nhưng hành vi này cần phải quy định rõ, cụ thể hơn và khẳng định hành vi mua bán thông tin người tiêu dùng, sử dụng thông tin người tiêu dùng nhằm mục đích thương mại là trái pháp luật.

Thứ ba: Tại Điều 15 (Quyền của người tiêu dùng), ngoài 10 quyền của người tiêu dùng đã nêu trong Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung một quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được Tổ chức Những người tiêu dùng quốc tế thừa nhận. Đó là quyền được tiếp cận, được đáp ứng những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thiết yếu nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản, tối thiểu của con người như: ăn, mặc, ở, điện, nước, đi lại, khám chữa bệnh, học hành.., nhằm làm căn cứ xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của bên cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực cung ứng điện, nước, bưu chính, viễn thông, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, vận chuyển, sách giáo khoa.. để nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thể hiện một cách đầy đủ hơn.

Ngoài các nghĩa vụ đã nêu trong dự án Luật, nên chăng bổ sung quy định cho phép người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ lưu hành trên thị trường không an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, được quyền thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông (media) để kịp thời ngăn chặn những hành vi có thể gây thiệt hại cho những người tiêu dùng khác và phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin mà mình đã thông báo.

Thứ tư: Tại khoản m, điểm 1, Điều 17 (Các hành vi bị cấm), cần nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp chế tài đối với những tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng đã có những hành vi tuyên truyền, quảng cáo sai sự thật, tư vấn, khuyến nghị người tiêu dùng tiêu thụ những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ không an toàn, kém chất lượng, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Thứ năm: Các nội dung tại điểm 1 và điểm 2, Điều 18 (Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, còn quy định khá chung chung, chưa quy định cụ thể chủ thể xử lý vi phạm. Mặt khác, nội dung điểm 3, Điều 18, liệu có trùng lắp với Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) 2020 (Luật số 67/2020/QH14), đã được cụ thể hoá bằng Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính không?

Thứ sáu: Tại điểm 1, Điều 35 (Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hoá khuyết tật gây ra), đề nghị điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng, vì thực tế trong trường hợp này các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ tìm mọi biện pháp để chứng minh khuyết tật của sản phẩm, hàng hoá do mình cung cấp không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng nhằm miễn trách nhiệm bồi thường.

Thứ bảy: Tại các Mục 1,2,3 của Chương III (Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với các tổ chức, cá nhân kinh doanh), mặc dù Dự án Luật đã quy định rất chặt chẻ và chi tiết các nội dung có liên quan đến các hoạt động Giao dịch từ xa (thể hiện qua nội dung các Điều 38,39,40); Hoạt động Cung cấp dịch vụ liên tục (thể hiện qua nội dung các Điều 41,42); Hoạt động Bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức Bán hàng tận cửa (thể hiện qua nội dung các Điều 43, 44), Bán hàng đa cấp (thể hiện qua nội dung các Điều 45,46) và Hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên (Điều 47) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay vẫn còn rất đông người tiêu dùng chưa thành thạo về công nghệ số để thực hiện giao dịch điện tử trong mua bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; cộng thêm những hạn chế, bất cập của các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các hoạt động này. Do vậy, các hành vi gian dối, lừa đảo thông qua các hình thức bán hàng trên đang diễn ra khá phổ biến, với mức độ ngày càng tỉnh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng yếu thế và dễ bị tổn thương. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn, chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như: Hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh…

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhận thấy rằng, hiện nay, các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... Ngoài hệ luỵ phát sinh các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống, dễ dẫn đến nguy cơ là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn. Vì thế, dự án Luật cũng cần có nội dung liên quan đến việc tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các hình thức kinh doanh vừa nêu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính định hướng về biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo trong các nội dung giao dịch đặc thù đã nêu, làm cơ sở pháp lý giúp Chính phủ xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề này, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển thị trường kinh doanh an toàn, lành mạnh và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tám: Tại Chương IV (Hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), ngoài các nội dung quy định tại các Điều từ Điều 48 đến Điều 52); cũng như tại Chương VI (Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị Dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung nội dung vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong việc tư vấn, phản biện và giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ chín: Rà soát đối chiếu với pháp luật có liên quan, tính tương thích của Luật này đối với pháp luật có liên quan như các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Giao dịch điện tử; Luật Quảng cáo 2018, Luật Thương mại (sửa đổi) 2019. Theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, cần làm rõ vị trí của Luật trong hệ thống pháp luật để quy định cho đồng bộ, thống nhất. Lấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng làm trung tâm để quy định ở các văn bản luật có liên quan hay như thế nào cũng cần có báo cáo rõ về vấn đề này./.

Bích Lan