THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 5 KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

25/10/2022

Thứ Ba, ngày 25/10/2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 5 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

TỔNG THUẬT SÁNG 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT CHIỀU 25/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 4 KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Buổi sáng

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe: (1) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội  Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 23 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: bố cục của dự thảo Luật; nguyên tắc hoạt động của thanh tra; hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; việc thành lập thanh tra sở, thanh tra chuyên ngành, thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thanh tra Cục thuộc Tổng cục, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra; việc ban hành kế hoạch thanh tra, quyết định thanh tra, kết luận thanh tra; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; quyền của đối tượng thanh tra; xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra; khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên. Ngoài ra, một số ý kiến đại biều đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội vào dự thảo Luật.

Kết thúc phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: (1) Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (2) Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (3) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 13 đại biểu phát biểu, đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung: tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; tiêu chí và phương pháp đánh giá lựa chọn nhà thầu; nghĩa vụ của nhà thầu; trách nhiệm quản lý nhà nước, nguyên tắc, điều kiện, việc tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; phê duyệt hợp đồng dầu khí; các loại hợp đồng dầu khí; quyết toán chi phí đối với hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; chính sách ưu đãi trong hoạt động dầu khí; vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền; dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển; phòng, chống sự cố trong thăm dò, khai thác dầu khí; việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ Tư, ngày 26/10/2022: Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Buổi chiều (phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam): Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)./.