ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: CÔNG TÁC ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ DẦU KHÍ PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

25/10/2022

Đại biểu Tạ Đình Thi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Công tác điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong bối cảnh ngày càng ít phát hiện ra các mỏ dầu khí mới.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN Ở HỘI TRƯỜNG VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

Chiều ngày 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cơ bản tán thành các nội dung dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này và tham gia một số ý kiến góp ý liên quan đến các quy định về điều tra cơ bản về dầu khí.


Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) ​chiều ngày 25/10.

Thứ nhất, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 “Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.” Theo đó, công tác điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong bối cảnh ngày càng ít phát hiện ra các mỏ dầu khí mới trong thời gian vừa qua.

Thực tế, công tác điều tra cơ bản về dầu khí nói riêng và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nói chung đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với các dự án điều tra cơ bản về dầu khí được tiến hành trong các vùng biển sâu, biển xa, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, mặc dù đã được nêu trong Điều 6 về nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, nhưng theo theo đại biểu Tạ Đình Thi, trong Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí cần bổ sung một khoản quy định về chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chính sách về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.


Đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.

Thứ hai, theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì chỉ có 02 loại dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là: (1) Dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo khi đáp ứng tiêu chí tại khoản 2 Điều 13 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; (2) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Như vậy, quy định tại Điều 4: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí...” sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có quy định cụ thể hơn để giải quyết các xung đột, mẫu thuẫn giữa các Luật.

Mặt khác, cần làm rõ quy định về pháp luật áp dụng, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị sửa lại khoản 3, bổ sung khoản 4 vào Điều 4 như sau:  “3. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật Việt Nam không có quy định, thì áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế nhưng hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế đó không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

4. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật dầu khí với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thông lệ công nghệp dầu khí quốc tế về cùng một vấn đề thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế”.

Điều 8 dự thảo Luật về yêu cầu về an toàn dầu khí cần rà soát để phù hợp với Khoản 3, Điều 34 Luật Biển Việt Nam quy định “Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 mét tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng”.

Thứ ba, về các quy định điều tra cơ bản về dầu khí tại Chương II dự thảo Luật. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, bao gồm công tác điều tra cơ bản về dầu khí chủ yếu được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Vì vậy, trong dự thảo Luật cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định tỷ lệ bản đồ của công tác điều tra cơ bản về dầu khí là bao nhiêu (1/100.00 hay 1/50.000...) để phân biệt rõ với tỷ lệ bản đồ của công tác tiềm kiếm, thăm dò.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, hiện nay, các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên dầu khí truyền thống hoàn toàn do Bộ Công Thương chủ trì quản lý, thực hiện, còn các dự án điều tra cơ bản về tài nguyên dầu khí phi truyền thống do các Bộ, ngành khác chủ trì thực hiện, như Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì thực hiện dự án “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong dự án Luật lại không có quy định riêng đối với dầu khí truyền thống và phi truyền thống, điều này dẫn đến sẽ có những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dầu khí (sửa đổi), làm gián đoạn việc triển khai các dự án điều tra cơ bản dầu khí phi truyền thống đã và đang được các bộ, ngành chủ trì thực hiện. Vì vậy cần rà soát, hoàn thiện các quy định tại Điều 10 về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, bảo đảm tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Cuối cùng, để tận dụng tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhân lực, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu của ngành dầu khí Việt Nam và các ngành liên quan, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một điều quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí và nghiên cứu khoa học biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và giao Chính phủ quy định cụ thể./.

Bích Lan