SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: KỲ VỌNG LỚN CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP
Đại biểu tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 245 Điều, quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất; chế độ sử dụng các loại đất; thủ tục hành chính về đất đai; giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Dự thảo Luật giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật Đất đai năm 2013.
Dự thảo Luật có một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng và bổ sung quy định về tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; đề nghị làm rõ hơn quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng; xem xét phân loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao; quy định chi tiết tỉ lệ diện tích được phép xây dựng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; triển khai các dự án nhà ở xã hội; quy định về đất tín ngưỡng, đất tại khu làng nghề, khu dịch vụ làng nghề; nghiên cứu lại một số quy định cho phù hợp với các quy định tại các Luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Lợi nhấn mạnh: Việc xây dựng, ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tiếp thu, tổng hợp đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu gửi tới các cơ quan chức năng để góp phần vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo Luật sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển.