ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: NHỮNG KHAI MỞ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG TỪ QUỐC HỘI TẠO ĐÀ CHO HÀ NỘI PHÁT TRIỂN

10/10/2022

Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới đối với Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn nêu rõ, kể từ ngày Thủ đô giải phóng, Quốc hội đã có những khai mở pháp lý quan trọng tạo đà cho Thủ đô Hà Nội phát triển, trưởng thành “thay da đổi thịt” như hiện tại.

ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC BỘ CHÍNH TRỊ GIAO VỀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Giữ gìn “dấu ấn” thời gian

Đúng 16 giờ ngày 09/10/1954, lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng tràn xuống đường, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô.

15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức, với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực trong niềm vui giải phóng.

Cột cờ Hà Nội- Nhân chứng lịch sử trong ngày giải phóng 10/10/1954

Trên chặng đường hành quân lịch sử từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến Ngày trở về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả nước, để lại những bài học quý cho những chặng hành quân tiếp theo trên con đường độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Hà Nội chính là trái tim của cả dân tộc, là địa bàn chiến lược mà quân và dân ta phải quyết tâm giành được. Trong suốt quá trình kháng chiến, Hà Nội đã phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, độc lập chiến đấu cao; đồng thời luôn tích cực phối hợp với chiến trường cả nước để nhanh chóng giành được thắng lợi. Hà Nội luôn nêu cao tinh thần vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, cùng cả nước tích cực chiến đấu, sản xuất, thực hành tiết kiệm, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Cả Hà Nội rạo rực trong niềm vui giải phóng

Giải phóng Thủ đô có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta. Nó không chỉ mang ý nghĩa giải phóng một thành phố thoát khỏi thực dân Pháp mà nó còn là giải phóng một cơ quan đầu não của dân tộc Việt Nam, giải phóng một lực lượng hậu phương hùng mạnh và vững chắc. Giải phóng thành công thủ đô Hà Nội đã tạo động lực mạnh mẽ để tiến tới giải phóng toàn bộ các thành phố khác, quét sạch hoàn toàn giặc Pháp khỏi đất nước Việt Nam.

Dù đã bao nhiêu năm đi qua những những mốc son ấy vẫn luôn rạng ngời trong trái tim mỗi người con Hà Nội để rồi đến ngày 10/10 hàng năm, Hà Nội lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc đã viết nên những trang sử vàng cho non sông. 

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Đại biểu có bình luận gì về ý nghĩa của việc gìn giữ những “ký ức” liên quan đến Ngày giải phóng thủ đô ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải luôn cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển để giữ gìn được những ký ức của thành phố, giữ gìn được tâm hồn và tinh thần của thành phố, để các thành phố có thương hiệu riêng, không bị lẫn với nhau, không phải chỉ toàn những đô thị mới thiếu bản sắc… Mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có.

Nhìn từ góc độ văn hóa, di sản thể hiện bản sắc của đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó.  Không phải tự nhiên, bất kỳ động chạm đến một di sản nào đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Mất đi di sản, mất đi “dấu ấn” thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có. Di sản gắn bó với “ký ức” của đô thị, nó là hình ảnh tiêu biểu của đô thị và chúng ta, rất nhiều những thế hệ con người, đã gắn bó với những di sản đó. Những di sản đó kể rất nhiều câu chuyện, không chỉ liên quan đến đô thị đó, mà liên quan đến lịch sử của một đất nước.

Chúng ta chỉ cần khoảng 10 năm để có thể hình thành một khu đô thị mới, nhưng phải cần cả trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để kết tinh nên một di sản. Đó là những nhân chứng vượt thời gian để giáo dục chúng ta về lịch sử, lòng yêu nước, tự hào về vùng đất của một quốc gia. Chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn quá khứ, giữ gìn di sản. Việc gìn giữ, hồi nhớ về “dấu son” lịch sử- Ngày giải phóng thủ đô hàng năm có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, giúp thế hệ trẻ mường tượng được ký ức hào hùng của dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, sự biết ơn và đoàn kết…

Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị. Nếu biết cách khai thác sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế - xã hội.

Đường phố “khoác áo mới” mừng Ngày Giải phóng Thủ đô

Những ngày này, phố phường Hà Nội rực rỡ sắc đỏ cờ hoa, đèn chiếu sáng, pano, áp phích...  để chào mừng Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) tạo nên một không khí hân hoan, phấn khởi …

Không khí kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô ngập tràn khắp phố phường Hà Nội

Đúng 8 giờ ngày 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có những người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô, từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân. 68 năm sau, Hà Nội lại trang hoàng cờ hoa khắp mọi nẻo đường, góc phố để kỷ niệm thời khắc thiêng liêng ấy.

Cột cờ Hà nội 68 năm sau Ngày Giải phóng

Phóng viên: Cứ mỗi năm vào ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô, Hà Nội lại có nhiều hoạt động để chào mừng, đặc biệt tại các địa điểm gắn với ngày giải phóng đều được trang trí cờ hoa rực rỡ… Điều này có ý nghĩa gì thưa đại biểu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, tổ chức các sự kiện để chào mừng ngày giải phóng thủ đô có rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên chúng ta tôn vinh truyền thống để giáo dục lịch sử, để mọi người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa của một sự kiện lịch sử, từ đó nâng niu giá trị truyền thống mà cha ông để hy sinh xương máu mới có thể có được. Nhờ đó, chúng ta hình thành nên một thói quen, một truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây – một đạo đức làm người.

Không chỉ có vậy, sự kiện tôn vinh này còn giúp chúng ta có sự đồng cảm, đoàn kết với nhau hơn vì những mục tiêu cao cả của dân tộc, từ đó hình thành nên quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Những khai mở pháp lý quan trọng từ Quốc hội

Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với trung bình cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lớn thứ hai cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua, chứng kiến bao thăng trầm và cũng là nơi khiến nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh phải cúi đầu khuất phục trước sức mạnh của lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Dù trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng Hà Nội vẫn kiên cường, vươn lên, có những bước phát triển không ngừng, cùng với những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thủ đô 2012

Quốc hội – cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp cũng đồng hành cùng Hà Nội qua những chặng đường phát triển, khai mở những hành lang pháp lý, đặt nền móng, điều kiện để Hà Nội có những bước đệm phát triển thuận lợi.

Năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Thủ đô với nhiều chính sách nhằm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, với mong muốn là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Sau 10 năm thực hiện, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực. 

Bên cạnh đó, Luật di sản Văn hóa ra đời năm 2001 tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cả nước, trong đó có Hà Nội.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2020, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, nhằm giúp Hà Nội chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông… Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Qua 2 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội, các cơ chế này đã góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững hơn…

Và mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục đích của Kế hoạch nhằm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, yêu cầu về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao…

Phóng viên: Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để phát triển Thủ độ Hà Nội (Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Luật Di sản văn hóa…). Và mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Theo đại biểu, những cơ sở pháp lý này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của Hà Nội?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Những văn bản pháp luật mà Quốc hội đã ban hành là những khai mở pháp lý rất quan trọng tạo đà cho Thủ đô Hà Nội phát triển, trưởng thành “thay da đổi thịt” như hiện tại. Nhìn từ Ngày giải phóng thủ đô tới nay, ta thấy Hà Nội đã có diện mạo hoàn toàn khác, hiện đại, tươi mới, phồn vinh, nhưng vẫn giữ được nét riêng vốn có.

Việc thí điểm các cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù của Quốc hội đã giúp Hà Nội huy động được tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững hơn; chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông…

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô 2012 mà Quốc hội ban hành cũng là một văn bản pháp lý rất quan trọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị tạo cơ chế đặc thù phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhờ vậy, trong thời gian qua, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá cao và bền vững; xây dựng nông thôn mới Hà Nội dẫn đầu cả nước, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành, đời sống nhân dân được nâng cao, hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ...

Tuy nhiên, chúng ta đang ở trong một bối cảnh, ở đó, sự thay đổi của cuộc sống diễn ra rất nhanh và vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, luật pháp luôn cần phải thay đổi để thích ứng với những biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường của cuộc sống, để từ đó tạo điều kiện cho lĩnh vực mà luật điều chỉnh phát triển phù hợp với thực tiễn cuộc sống, và lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Luật Thủ đô năm 2012 đến nay đã có nhiều bất cập, không đủ bao quát và tạo điều kiện phát triển Thủ đô trong tình hình mới. Vì thế, việc “mặc cho thủ đô một chiếc áo mới”, để Thủ đô thực sự trở thành đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển của đất nước, tỏa sáng những giá trị của dân tộc là hết sức cần thiết. Đó là một trong những lý do căn bản để chúng ta sửa đổi Luật Thủ đô.

Hà Nội chính là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa dân tộc, tiêu biểu cho tinh hoa của cả nước, vì vậy, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, cùng với Luật Thủ đô sắp tới sẽ là những yếu tố giúp cho Hà Nội thực sự trở thành trung tâm, giữ nhịp cho sự phát triển văn hóa nói chung, di sản nói riêng của cả nước. Đây chắc chắn sẽ là những yếu tố tích cực cho sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Quốc hội khóa XV và mục tiêu đưa Thủ đô phát triển đột phá

Cần phải khẳng định, Luật Thủ đô năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại, còn chủ yếu mang tính chất khung, nguyên tắc, định hướng, tính hiện thực còn hạn chế; thậm chí một số khoản, điều của luật khác ban hành sau cao hơn Luật Thủ đô. Mục tiêu tạo đột phá cho Thủ đô phát triển của Luật Thủ đô năm 2012 chưa đạt được. 

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023. Việc sửa Luật nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, Đảng đoàn Quốc hội phân công trách nhiệm triển khai thực hiện các công việc. Cụ thể:

Về Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội) và Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8/4/2021 của Quốc hội), Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan tiến hành sơ kết việc thực hiện các nghị quyết thí điểm của Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm tra, báo cáo ý kiến về kết quả sơ kết việc thực hiện thí điểm các nghị quyết với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội), Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có liên quan tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2022...

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm tra, báo cáo ý kiến về kết quả sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, tổng kết Luật Thủ đô và các luật có liên quan, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát, tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết có liên quan, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Thủ đô để làm cơ sở xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội theo dõi, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát Luật Thủ đô để tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chuẩn bị đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trường hợp các cơ quan hoàn thành việc rà soát, đánh giá sớm hơn thời hạn theo yêu cầu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoặc trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 bảo đảm hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chính phủ có đề nghị chính thức về nội dung này.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị nội dung tham gia thẩm tra đối với đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) khi có yêu cầu.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để báo cáo Quốc hội...

Thủ đô Hà Nội đang “thay da, đổi thịt” từng ngày và liên tục ghi nhận dấu mốc thế và lực mới trong phát triển kinh tế, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự hội tụ của nhiều nhân tố, đặc biệt trong đó có những cơ sở pháp lý thuận lợi, chính sách pháp luật mở đường kịp thời từ Quốc hội.

Một số hình ảnh Thủ đô Hà Nội trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng thủ đô:

Đường phố Thủ đô ngập tràn sắc đỏ

Cờ Tổ quốc tung bay trên Cột cờ Hà Nội

Khắp các phố, phường Hà Nội được trang hoàng cờ, hoa, băng rôn… rực rỡ nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều tuyến phố, cơ quan, đơn vị ở Hà Nội được trang hoàng cờ , hoa

Hà Nội trong nắng thu dịu dàng dường như được tô điểm thêm khi không khí của kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô

Thu Phương