ĐẢM BẢO SỰ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN VÀ TÍNH ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

08/10/2022

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đề nghị cần bổ sung thêm 2 nguyên tắc quan trọng của hoạt động thanh tra gồm: nguyên tắc độc lập trong hoạt động thanh tra và nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của Nhân dân.

DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI): LÀM RÕ HƠN VỀ THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN THANH TRA, TRÁNH KHOẢNG TRỐNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021 thì dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: Hoạt động thanh tra chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của các bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý; chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra với kiểm tra thường xuyên; còn có sự chồng chéo, trùng lắp về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán; quy định về trình tự, thủ tục thanh tra còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; thiếu cơ chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra…

Thực tế này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, trong việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này rất cần đặt ra một thiết chế để kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động thanh tra, bao gồm kiểm soát từ bên trong và bên ngoài.

Đóng góp ý kiến về nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho biết, Điều 4 dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định một số nguyên tắc quan trọng mang tính chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, Điều này còn chưa thể hiện được một số nguyên tắc rất quan trọng trong lĩnh vực thanh tra theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu kiến nghị cần bổ sung 2 nguyên tắc quan trọng gồm: nguyên tắc độc lập trong hoạt động thanh tra và nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của Nhân dân.

Theo các chuyên gia, thanh tra có được bảo đảm sự độc lập (trong tổ chức, hoạt động) thì mới đảm bảo được tính trung thực, khách quan và hiệu lực của hoạt động thanh tra, không bị chi phối bởi tác động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguyên tắc cũng nhằm thể chế hóa chủ trương “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực thanh tra. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng giám sát, Thanh tra Chính phủ có chức năng thanh tra, đều có cùng mục đích là phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm và thực hiện đúng quy định của nhà nước. Việc phối hợp công tác hai bên còn tạo nên sức mạnh cộng hưởng giữa thanh tra của cơ quan nhà nước và hoạt động giám sát của Nhân dân.

Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Đối với các cơ chế kiểm soát và giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước trong hoạt động thanh tra, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, dự thảo Luật còn thiếu và cần thiết phải được bổ sung một số quy định về cơ chế kiểm soát quan trọng. Cụ thể, cần bổ sung các quy định về thẩm quyền và thủ tục thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, ngành đối với hoạt động hành chính của các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, tư pháp (cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân).

Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế thực hiện hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động thanh tra nói chung, giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra nói riêng; kiểm soát tư pháp đối với các khiếu kiện liên quan đến Kết luận, quyết định về thanh tra, hành vi hành chính của cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện Kết luận thanh tra.

Đối với cơ chế giám sát của Nhân dân, Theo quy định tại khoản 6 Điều 98 và khoản 2 Điều 99 của Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng có trách nhiệm Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Các chuyên gia kiến nghị dự thảo Luật Thanh tra cần cụ thể hóa được trách nhiệm này, để tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể này trước Nhân dân, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm và hình thức Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước công khai báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng về Kết luận Thanh tra và việc thực hiện Kết luận thanh tra, nhất là đối với các vụ việc có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của đông đảo Nhân dân.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luât, ThS. Đặng Thị Kim Ngân, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam đề nghị, Điều 45 Chương IV về định hướng thanh tra hằng năm, cần bổ sung một căn cứ nữa khi xây dựng kế hoạch thanh tra, đó là: căn cứ vào phát hiện, kiến nghị của nhân dân, các vụ việc tố cáo, khiếu nại bức xúc của công dân về đất đai, tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; về kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, của dư luận xã hội và của các phương tiện thông tin đại chúng. Tại khoản 2 Điều 46 về hình thức thanh tra đột xuất, bổ sung trường hợp “theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”. Tại Điều 57 bổ sung việc thu thập thông tin, tài liệu thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, thông qua dư luận xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra.

Ngoài ra, nhiều nhà quản lý đề nghị, tại Điều 90 bổ sung vai trò giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân đối với hoạt động của Đoàn thanh tra khi thanh tra vụ việc tại địa phương, trong cơ quan, doanh nghiệp. Khi phát hiện có sai phạm trong quá trình thanh tra của Đoàn thanh tra thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý và thông báo kết quả xử lý cho chủ thể đã kiến nghị biết. Tại Chương VI về phối hợp hoạt động thanh tra, bổ sung một điều quy định: “Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện xây dựng Quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thực hiện các nội dung về quyền và trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của Luật này”.

Minh Hùng