UBTVQH SẼ CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MN

08/10/2022

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện, mục tiêu đạt được trong thời gian qua, xác định rõ nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và định hướng triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện công tác này

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14

Ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 – 2030) tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, trong đó giao Ủy ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo Nghiên cứu khả thi và ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ trong công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình.

Nhằm đánh giá thẩm tra Báo cáo của Chính phủ kết quả thực hiện, mục tiêu đạt được trong thời gian qua, nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và định hướng triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia này trong thời gian tới, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Trước đó, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức phiên họp thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng để thẩm tra “Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022”. Tại phiên họp, các đại biểu cho biết, tính đến nay, Trung ương đã hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành quy chế hoạt động, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương; thành lập tổ công tác, Văn phòng điều phối và quy chế thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành vẫn chưa thật sự quyết liệt, công tác tham mưu của cơ quan Thường trực Chương trình chưa kịp thời, do đó việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chưa được bảo đảm liên tục, kịp thời cho việc triển khai thực hiện Chương trình.

Phiên họp thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ 

Ở địa phương, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, đã có 50/50 địa phương triển khai thực hiện Chương trình hoàn thành công tác thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh, đồng thời cũng ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, mới có 20/50 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, tức là còn 30 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để kiện toàn bộ máy quản lý chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cò chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn của Trung ương.

Bên cạnh đó, một số đại biểu bày tỏ lo ngại trước thực tế chậm thành lập các Ban Chỉ đạo cấp huyện, tham dự Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng, đồng thời đề nghị, Chính phủ báo cáo và đánh giá thêm về nội dung này. Tỷ lệ thành lập thấp như vậy sẽ gây khó khăn gì trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng gì đến tiến độ triển khai trong thời gian tới? Các đại biểu cũng nhấn mạnh, điểm mới khác biệt trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đó là việc thành lập Ban Chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm hạn chế sự chồng chéo, chồng lấn. Cả ba chương trình đều hướng tới đối tượng yếu thế là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ giải pháp lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Một số ý kiến ch rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều nhấn mạnh phải thực hiện chuyển đổi số. Vì thế, Chính phủ cũng cần xem xét, ứng dụng các bộ công cụ hiện đại, khoa học trong công nghệ số để rà soát đối tượng, địa bàn, cập nhật việc phân bổ, bố trí ngân sách, bảo đảm tránh sự trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót đối tượng, hoặc khuyết thiếu trong triển khai thực hiện 3 chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) được thực hiện trong 5 năm. Nhưng đến nay, tiến độ thực hiện vẫn còn chưa đáp ứng kỳ vọng. Tại Phiên họp, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ phương hướng, nhiệm vụ, xác định trách nhiệm, tiến độ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị có liên quan. Tập trung quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành; và các địa phương cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, giải quyết cho được những vấn đề bức xúc nhất, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền.

Minh Hùng