UỶ BAN XÃ HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7

28/09/2022

Ngày 28/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh.

Thường trực uỷ ban Xã hội làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.


Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, với chương trình làm việc từ ngày 28-30.9, Ủy ban Xã hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đây là hai dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Ủy ban tại phiên họp này, các dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Ủy ban Xã hội cũng thẩm tra 5 Báo cáo của Chính phủ về: Việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2021; Việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về nội dung phòng, chống Covid-19; Việc thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm Xã hội, việc quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2021; Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7.2021 đến nay.


Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp 

Cùng với đó, các thành viên Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 về lĩnh vực y tế, dân số, lĩnh vực lao động - thương bình và xã hội; việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

Ủy ban Xã hội cũng sẽ xem xét, thông qua dự kiến Chương trình giám sát của Ủy ban năm 2023; cho ý kiến Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm Xã hội giai đoạn 2016-2021; Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban Xã hội phụ trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để có bảo đảm chất lượng tốt nhất các nội dung trình Quốc hội.


Đại diện các bộ, ngành phát biểu ý kiến 

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh để thể chế hóa đến mức tối đa các quan điểm này trong nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã rà soát, đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, do khám bệnh, chữa bệnh là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều luật khác nhau nên trong dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính đặc thù hoặc chuyên ngành về khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung khác như vấn đề đầu tư, ưu đãi đầu tư liên quan đến đất đai, tín dụng, thuế, đấu thầu, quản lý tài sản, sử dụng tài sản công, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, quy hoạch, môi trường… sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các thành viên Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan, đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)