THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

23/09/2022

Sáng 23/9, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì cuộc làm việc.

Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà; đại diện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số Bộ, ngành hữu quan.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2021

Báo cáo việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả. Kế thừa những kết quả đạt được của Chiến lược 2011-2020, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược 2021-2030) đề ra 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong lĩnh vực y tế; giáo dục, đào tạo và thông tin, truyền thông. Chiến lược cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

Đến nay đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược 2021-2030.

Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nói chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận. Phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đều có kết quả tốt hơn so với năm 2020, trong đó có 6/20 chỉ tiêu cơ bản đã đạt mục tiêu đến năm 2025; 1/20 chỉ tiêu đã đạt một phần và 13/20 chỉ tiêu phấn đấu đạt vào năm 2025. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo

Công tác xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được các bộ, ngành địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Nhiều địa phương đã căn cứ điều kiện, tình hình thực tế để xây dựng các chỉ tiêu thực hiện Chiến lược phù hợp với địa phương mình, trong đó có bổ sung các chỉ tiêu đặc thù so với chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia.

Bên cạnh đó, trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động, như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; ngoài ra, hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 06 tuổi; hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; hỗ trợ gạo, giảm tiền điện, nước, cước dịch vụ viễn thông cho người dân; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em,... góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong công tắc này. Cụ thể, khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực thì trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 lại càng bộc lộ rõ nét hơn. Tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ. Vấn đề giới trong bối cảnh COVID-19 mặc dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết các nhu cầu. Điều này đã phần nào làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực như lao động việc làm, trong gia đình, bạo lực trên cơ sở giới,… ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia.

Tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực như lao động việc làm, gia đình, bạo lực sau đại dịch

Thảo luận tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được thực hiện tương đối nghiêm túc.

Tuy nhiên, một số ý kiến Thường trực Ủy ban cũng chỉ rõ, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Đại dịch COVID-19 cũng đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục và làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ. Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với nam và nữ lại khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Các đại biểu cho ý kiến tại cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Trần Thị Thanh Lam và một số đại biểu cũng nhấn mạnh, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%. Trước đại dịch, không có sự khác biệt trong tỷ lệ thất nghiệp của nam giới và nữ giới, nhưng khoảng cách chênh lệch này đã xuất hiện kể từ quý III/2020. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa…Do đó, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chú ý đến vấn đề này, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Quan tâm đến vấn đề tuyên truyền về bình đẳng giới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong chỉ ra rằng công tác này có vai trò quan trọng, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới chưa sâu rộng, chưa phong phú. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu để phát huy tốt hiệu quả của công tác tuyên truyền bằng những chương trình kế hoạch, nội dung phong phú, hình thức mới mẻ, đạt được hiệu quả thực chất.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ chủ quản và các Bộ ngành có liên quan làm rõ tình trạng chậm giải ngân để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; công tác tài chính cho công tác bình đẳng giới, việc thanh tra kiểm tra các công tác này; chăm sóc sức khỏe phục hồi sau đại dịch; tiến độ thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở….

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu kết luận

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, những thông tin tại cuộc làm việc sẽ là cơ sở để Ủy ban tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về  bình đẳng giới được lồng ghép ở nhiều chương trình khác nhau, nên các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát hoàn thiện báo cáo, đưa ra thông tin chi tiết, cụ thể, cập nhật số liệu đầy đủ để đảm bảo tính chính xác, so sánh với số liệu cùng kỳ năm trước và đối chiếu với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đưa ra kiến nghị rõ ràng, các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương có kế hoạch cụ thể, giải pháp căn cơ trong việc thực hiện công tác thực hiện chính sách, pháp luật về  bình đẳng giới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm hoàn thiện báo cáo để Ủy ban Xã hội để tiến hành nghiên cứu, thẩm tra tại Phiên họp toàn thể sắp tới.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh cuộc làm việc:

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại cuộc làm việc

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chỉ ra rằng, khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực thì trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 lại càng bộc lộ rõ nét hơn

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới

Uỷ viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà đề nghị cần báo cáo rõ công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thanh cầm đề nghị cần có những giải pháp căn cơ để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam cho rằng các Bộ, ngành phải đặc biệt quan tâm đến tình trạng nữ giới mất việc làm sau đại dịch tăng cao

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, những thông tin tại cuộc làm việc sẽ là cơ sở để Ủy ban tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Hồ Hương- Minh Hùng