BỔ SUNG SÁCH GIÁO KHOA VÀO DANH MỤC HÀNG HÓA DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ

23/09/2022

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 vừa qua, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật Giá (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với kiến nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giá (sửa đổi)s, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Giá là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp. Đó là một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ quy hoạch; thù lao công chứng; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng; dịch vụ sử dụng quy hoạch biển… Cùng với đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng,  mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ: Giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; Mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật đất đai, Luật khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Đối với việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, đây là mặt hàng thiết yếu, giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, có tác động lớn đến đời sống người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, thu nhập không ổn định. Vì vậy, cần đưa mặt hàng quan trọng thiết yếu này vào danh mục do Nhà nước định giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tham gia thảo luận

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ, đồng thời nêu rõ, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã đưa sách giáo khoa vào danh mục được Nhà nước định giá và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giá tối đa. Hiện có ý kiến cho rằng, việc định giá sẽ gây ra hạn chế trong việc xây dựng, sáng tạo sách giáo khoa, gây khó khăn cho các nhà xuất bản, cá nhân, đơn vị tham gia biên soạn, kinh doanh sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc quản lý chặt chẽ và quy định mức giá tối đa là cần thiết.

Bên canh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức trách cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một bộ sách giáo khoa của Bộ, của ngành giáo dục. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, việc soạn bộ sách này cũng là một yếu tố để đảm bảo điều kiện tối thiểu cho học sinh, đồng thời cũng sẽ giải quyết vấn đề giá sách giáo khoa một cách triệt để, thấu đáo hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với kiến nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các chương, điều khoản trong dự thảo Luật để đảm bảo quản lý, điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền quyết định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, đảm bảo việc quản lý điều tiết của Nhà nước về giá để khắc phục hạn chế, tiêu cực của thị trường với biện pháp phù hợp, chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô, phù hợp với các cam kết quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Hồ Hương