ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG NAI: CHỌN VẤN ĐỀ 'NÓNG' ĐỂ GIÁM SÁT

23/09/2022

Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai và Thường trực HĐND tỉnh, các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh đã quan tâm khảo sát, giám sát nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến đời sống dân sinh. Qua đó, kịp thời phát hiện bất cập trong thực hiện chính sách, giải quyết vấn đề phát sinh ngay từ địa bàn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai giám sát về công tác tạm giữ, tạm giam và khởi tố điều tra trên địa bàn tỉnh

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai giám sát về việc quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh

Đoàn giám sát do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường làm trưởng đoàn thực hiện giám sát về việc quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn H.Trảng Bom. Ảnh: P.Tùng

Ðây là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin của cử tri và nhân dân.

Phát huy vai trò cơ quan dân cử

Quản lý đất đai, xây dựng là một trong những vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh. Điều này cũng dễ hiểu khi Đồng Nai có tốc độ phát triển nhanh, dân cư đông trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, phát triển nhà ở còn hạn chế, quy hoạch còn có sự chồng chéo…

Với tinh thần trách nhiệm cao, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cùng với những giải đáp, chia sẻ ở vai trò đại biểu dân cử, các đại biểu đồng thời vừa là lãnh đạo tỉnh luôn có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên lĩnh vực này. Đặc biệt, ngay sau đó, Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh đã tổ chức các đoàn giám sát nhằm đánh giá, ghi nhận và đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại các địa phương.

Điển hình như thời gian vừa qua, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng đoàn đã thực hiện các chương trình giám sát về công tác quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau đó, đoàn tiếp tục làm việc với UBND tỉnh về công tác này. Từ tình hình thực tiễn giám sát, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh những tồn tại, tăng cường hiệu quả công tác quản lý đất đai, xây dựng; gắn với trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương trên từng địa bàn. Với những tồn tại, vướng mắc trong hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai được ghi nhận qua từng cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Cũng là cơ quan đại diện cho cử tri tỉnh nhà, HĐND tỉnh luôn chú trọng giám sát những vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm, kiến nghị. Mới đây, trước phản ánh của người dân và báo chí về tình trạng san lấp mặt bằng, phân lô, xây dựng nhà trái phép diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn TP.Biên Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đã ký văn bản gửi Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Biên Hòa đề nghị tổ chức giám sát về nội dung này.

Theo đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Biên Hòa, bám sát chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, mới đây Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP.Biên Hòa đã tổ chức đoàn giám sát công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố. Từ buổi giám sát, tổ đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để UBND TP.Biên Hòa và các phường, xã trên địa bàn khắc phục những hạn chế và làm tốt hơn công tác quản lý đất đai, xây dựng trong thời gian tới.

Chọn vấn đề “nóng” ở địa phương

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, ngày 12/9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Trong đó, nghị quyết nêu rõ tiêu chí hàng đầu để lựa chọn chuyên đề giám sát phải là vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Các tiêu chí khác do HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND quyết định phù hợp với yêu cầu giám sát và thực tiễn của địa phương.

Thực tế, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã có quy định riêng về hoạt động giám sát của HĐND; tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND. Dù vậy, thực tế ở một số địa phương, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều nội dung giám sát chưa đúng trọng tâm, trọng điểm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát cũng chưa được thực sự quan tâm…

Chính vì vậy, việc ban hành nghị quyết này nhằm góp phần bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời, được thực hiện thường xuyên, công khai, minh bạch, khách quan và hiệu quả…

(Theo Báo điện tử Đồng Nai)