UBTVQH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 1210/2016/UBTVQH13 VỀ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ

21/09/2022

Chiều ngày 21/9, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.

UBTVQH xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình tại Phiên họp

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi được ban hành, Nghị quyết số 1210 đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị; phân loại đô thị đã trở thành một trong các cơ sở để lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quản lý, đầu tư phát triển đô thị; xây dựng điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị. Qua đó, đã phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc cảnh quan; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 thực sự cần thiết và cấp bách.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 với các lý do như đã thể hiện tại các Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển đô thị và nhiều văn kiện, nghị quyết khác có liên quan. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 1210 và kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy, về cơ bản, Nghị quyết số 1210 đã và đang phát huy giá trị tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại đô thị, làm căn cứ cho việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính đô thị trong thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như Chính phủ đề xuất, trong đó tập trung bổ sung, làm rõ hơn quy định về tiêu chuẩn phân loại đô thị áp dụng theo đặc điểm phân bổ dân cư của các vùng miền và tiêu chuẩn áp dụng đối với các đô thị có yếu tố đặc thù; đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh mức quy định đối với một số tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị như yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, hồ sơ của dự thảo Nghị quyết bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đều kèm theo lý giải cụ thể về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, có giá trị cao trong việc tham khảo, đánh giá về tính hợp lý và khả thi của nội dung quy định.

Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết Danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân chia theo 06 vùng miền phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo vùng đã được cấp có thẩm quyền xác định. Đồng thời đề nghị chưa đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị bởi chưa có căn cứ, cơ sở để tính toán, xác định cụ thể địa bàn, số lượng đô thị sẽ được áp dụng. Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng không xem xét tiêu chí mật độ dân số...

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tán thành với sự cần thiết bổ sung một số điều Nghị quyết 1210 với các lý do như đã thể hiện tại các cái Tờ trình của Chính phủ; đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã triển khai các cuộc giám sát chuyên đề về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, đó cơ sở để rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi trong Nghị quyết 1210. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211 sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị, chất lượng đô thị.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 1210 đã và đang phát huy giá trị tích cực nhiều mặt, vậy nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết, trong đó tập trung bổ sung làm rõ quy định về tiêu chuẩn phân loại đô thị, điều chỉnh mức quy định đối với một số tiêu chuẩn cụ thể như yêu cầu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị là phù hợp.

Góp ý về vấn đề cụ thể, đối với áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ có tính chất đặc thù về địa hình bằng phẳng, là hai vùng đô thị tập trung với các trung tâm hành chính, kinh tế lớn nhất cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi về mọi mặt, dân cư đông đúc, do đó nên áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị theo quy định ở mức cao nhất là phù hợp. Đối với đô thị thuộc vùng kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ hơn các cơ sở, tính khả thi của việc đề xuất mức áp dụng 50%, 70% và 80% tiêu chuẩn quy mô dân số, mật độ dân số đối với từng vùng, miền cụ thể.

Về áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phát triển đô thị ở các vùng chịu tác động của các yếu tố thiên nhiên không thuận lợi cần được tính toán, cân nhắc thận trọng; cần quan tâm tới khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của cố đô di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận. Do tính chất đặc thù của loại hình đô thị này nên các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị vẫn thực hiện theo quy định đối với các đô thị tương ứng là đô thị loại I để đảm bảo yêu cầu về chất lượng đô thị.

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng những nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210; những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế hiện nay. Lấy ví dụ từ thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có một huyện được thành lập 15 năm những vẫn chưa thành lập được thị trấn do các tiêu chí đề ra, nếu giảm quy mô dân số và mật độ dân số thì mới thành lập được thị trấn. Do đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ đồng tình với các tiêu chí như trong đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra rằng, khu vực Tây Nguyên có đất đai rộng, dư địa để phát triển còn nhiều nhưng khu vực miền núi phía Bắc có địa hình hẹp, nhiều núi cao nên cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quy định liên quan đến đô thị hình thành trong tương lai để tránh việc ban hành xong sau đó phải tiếp tục sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Nghị quyết lần này đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chuẩn bị từ sớm, nghiêm túc và công phu; hồ sơ được bổ sung rất nhiều tài liệu nghiên cứu và cơ sở lý luận. Bên cạnh đó, đất nước hiện nay đang trong giai đoạn phát triển, các tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ có biến động, do đó việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay mà chưa xem xét điều chỉnh một cách tổng thể quy định là phù hợp.

Đi vào cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra rằng, tiêu chí, tiêu chuẩn đơn vị hành chính phụ thuộc vào 5 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất liên quan đến chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; nhóm năm là trình độ phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị có ý nghĩa quan trọng nhằm chú trọng đảm bảo chất lượng đô thị. Nói đến đô thị, đầu tiên phải căn cứ vào dân số và mật số dân số, tuy nhiên có hai vấn đề quan trọng nhất quyết định chất lượng đô thị là trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị và vị vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nhóm vấn đề thứ nhất có thể cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chuẩn về chất lượng, năng lực của chính quyền đô thị, sự hài lòng của người dân về hệ thống dịch vụ công trong môi trường Chính phủ điện tử,… Trong nhóm 5 về hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị cũng có thể cân nhắc thêm các tiêu chuẩn cộng điểm là phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, phân rác tại nguồn và sử dụng năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời bày tỏ thống nhất nên có quy định đặc thù để thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 54 về phát triển Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng vấn đề này không nhất thiết quy định trong dự thảo Nghị quyết lần này, nhưng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm một số mô hình đô thị mới như mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh. Những đô thị đó có yếu tố tự nhiên, thiên nhiên nhiều, nếu không đặt vấn đề riêng, tính theo mật độ dân số thì sẽ khó làm.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến tham gia thảo luận tại phiên họp về cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Các ý kiến đều đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra; ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật. Trong đó không bổ sung Điều 13a mà đưa một số nội dung của Điều 13a vào điều khoản thi hành. Về phân loại có yếu tố đặc thù khoản 2 Điều 9 dự thảo Nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành không xem xét tiêu chí mật độ dân số khu vực dự kiến thành lập đô thị, bảo tồn, phát huy giá trị cố đô được UNESCO công nhận.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành bổ sung phụ lục về danh sách các tỉnh, thành phố chia theo 6 miền, đồng thời đề nghị các cơ quan rà soát, chỉnh sửa các phụ lục còn lại để bảo đảm tính khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phối hợp nghiên cứu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về tiêu chí điểm thưởng để khuyến khích các đơn vị hành chính có chất lượng đô thị, khuyến khích các tiêu chuẩn về quản lý, chất lượng cuộc sống nhân dân, năng lực cạnh tranh của đô thị.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tán thành với sự cần thiết bổ sung một số điều Nghị quyết 1210 với các lý do như đã thể hiện tại các cái Tờ trình của Chính phủ; đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao dự thảo Nghị quyết lần này đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chuẩn bị từ sớm, nghiêm túc và công phu; hồ sơ được bổ sung rất nhiều tài liệu nghiên cứu và cơ sở lý luận

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị

Minh Thành - Phạm Thắng