DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): CẦN CÓ CƠ CHẾ VÀ BIỆN PHÁP HỮU HIỆU BẢO VỆ CÁN BỘ, NHÂN VIÊN Y TẾ

21/09/2022

"Cần có cơ chế cũng như giải pháp quy định cụ thể, khả thi đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh,...." là ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 khi cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào sáng 21/9.

Khẩn trương, tích cực hoàn thiện Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội

Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9: UBTVQH cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có 163 lượt phát biểu ý kiến tại Tổ, 27 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường và 10 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (sau đây viết tắt là Cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.

Liên quan đến quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế (Điều 109), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, về cơ bản, pháp luật hiện hành đã có chế tài đối với hành vi đe dọa, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể của nhân viên y tế. Tuy nhiên, các chế tài này chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe nên trong những năm gần đây, vấn đề bạo hành và hành hung nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng, do đó, việc bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này và bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Tán thành với việc bổ sung quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho nhân viên y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân y tế tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cân nhắc để các biện pháp đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở phân tích 4 biện pháp được quy định tại dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đối với biện pháp: Trục xuất người đó ra khỏi cơ sở y tế, nơi họ đang gây mất an ninh, trật tự, trừ trường hợp bản thân người đó đang trong tình trạng cấp cứu; Phong tỏa khu vực của cơ sở khám, chữa bệnh đang bị mất an ninh, trật tự cần phải rà soát kỹ lưỡng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, từ “trục xuất” nói chung không dùng ở trong luật với nghĩa là buộc một người ra khỏi một cơ sở nào đó ở trong đất nước. “Trục xuất” được hiểu là yêu cầu một người nước ngoài không phải công dân Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam buộc phải rời khỏi đất nước Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng nên chọn một từ khác nhẹ nhàng hơn, tức là yêu cầu hoặc là buộc người đó phải rời khỏi cơ sở khám, chữa bệnh. Điều đó rất bình thường, không cần thiết phải quy định trong luật. Đấy là thẩm quyền của người quản lý cơ sở khám, chữa bệnh hoàn toàn có thể làm được. Không cần phải luật định mới làm được….”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.

Đối với biện pháp phong tỏa một khu vực nào đó đang gây mất trật tự, việc sử dụng thuật ngữ “phong tỏa” cũng chưa thực sự phù hợp. Trong một cơ sở khám, chữa bệnh do Giám đốc bệnh viện quản lý mà có một khoa khám, chữa bệnh đang xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự do người nhà bệnh nhân bức xúc, gây rối loạn thì giám đốc bệnh viện hoàn toàn có thể quyết định yêu cầu bảo vệ phải đóng cửa, yêu cầu tất cả những người không có chức trách, nhiệm vụ phải ra ngoài. Do đó,  không nên dùng từ “phong tỏa”, tránh cảm giác rất nặng nề và cũng không cần thiết phải quy định vào luật. Vấn đề này, Nội quy Bệnh viện có thể quy định được và trong thẩm quyền của Giám đốc bệnh .

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, riêng 2 biện pháp đầu liên quan đến biện pháp tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng và biện pháp tạm giữ người - vấn đề này liên quan đến pháp lý, biện pháp này phải làm rõ. Đây là biện pháp xử lý hành chính hay là biện pháp gì, nếu là biện pháp xử lý hành chính thì phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Phát biểu tại Phiên họp, đánh giá cao quá tình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không gì so sánh được sự hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, không chỉ cán bộ, nhân viên y tế mà cử Nhân dân, cử tri đang rất mong đợi có Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) nhằm tạo một khuôn khổ pháp lý mới, thuận lợi hơn để thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn. “Một là, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn. Hai là, bản thân ngành y tế vừa thể hiện được vai trò của mình nhưng vừa được xã hội công nhận bảo vệ, tạo điều kiện” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Đề cập đến tình trạng đội ngũ cán bộ y tế bị bạo hành, xâm hại đến sức khỏe của cán bộ y tế, bác sĩ khám bệnh, điều trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu rất cần thiết phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và phải có biện pháp thực hiện cụ thể.

Cũng đề cập đến nội dung, nêu quan điểm tại Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng ý với ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục gia công, rà soát để quy định cụ thể hơn. “Có thể phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định cụ thể thêm để chúng ta bảo vệ được cán bộ y tế, tránh những tình trạng như thời gian vừa qua”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp gợi ý./.

Lê Anh