PHIÊN HỌP CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT CỦA UBTVQH: CHÍNH PHỦ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI 5 NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN TRONG LUẬT ĐẤU THẦU

20/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều ngày 20/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp đó, các thành viên UBTVQH thảo luận về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 4

Chính phủ đề xuất sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn trong Luật Đấu thầu

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 92 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 85 Điều, bổ sung mới 05 Điều, giữ nguyên 02 Điều, bãi bỏ 11 Điều.

Đối với nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhóm chính sách này sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu, hạn chế tình trạng gian lận trong đấu thầu theo hướng: Công khai tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín nhà thầu và chất lượng sử dụng của hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Dự án luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu  nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng từng phương thức lựa chọn nhà thầu nhằm hạn chế tình trạng chủ đầu tư lợi dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ để loại bỏ nhà thầu ngay trong bước đánh giá về kỹ thuật, đến bước đánh giá về tài chính thì chỉ còn lại duy nhất một nhà thầu, dẫn đến không bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Về các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu, dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian trong đấu thầu nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc thực hiện các hoạt động đấu thầu, góp phần rút ngắn thời gian tổ chức đấu thầu cho từng dự án, gói thầu. Bổ sung quy định đối với mua sắm thường xuyên theo hướng cho phép đấu thầu các gói thầu cần yêu cầu nhà thầu cung cấp dịch vụ trong thời gian dài trên một năm  thay vì phải tổ chức đấu thầu hằng năm, nhằm tiết kiệm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Bổ sung một số quy định về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó áp dụng các hình thức mua sắm tiên tiến, thuận tiện dựa trên tính năng của hệ thống công nghệ thông tin như: chào giá ngược, mua sắm điện tử. Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Hệ thống khác nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện hoạt động đấu thầu qua mạng, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, chống các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, dự thảo luật cũng sửa đổi nhóm các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu.

Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư trong hoạt động đấu thầu theo hướng: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, chủ đầu tư quyết định các nội dung trong đấu thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Luật hóa tối đa các quy định hiện hành, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tổng kết đầy đủ, toàn diện kết quả thi hành Luật Đấu thầu năm 2013, nêu bật những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân để từ đó đề xuất sửa đổi Luật phù hợp; đánh giá đầy đủ tác động của việc thay đổi chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị việc sửa đổi, bổ sung phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; nhằm góp phần quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản nhà nước. Bên cạnh việc kế thừa, ổn định và tiếp tục phát huy những quy định phù hợp với thực tiễn, việc sửa đổi luật phải bảo đảm khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện; Giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh, công bằng; Bổ sung các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ, giảm thiểu các hành vi gian lận trong đấu thầu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Luật hóa những quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành đã rõ và ổn định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường lưu ý Luật Đấu thầu có liên quan đến nhiều Luật. Do vậy, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan, trong đó có các luật đang trong quá trình sửa đổi Luật Dầu khí, Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm các quy định thống nhất, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn.

Trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn với 8 nghị định, 23 thông tư, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật lần này là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, góp phần giảm thiểu tối đa số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng nêu một số vấn đề cụ thể về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; Về đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng luật; Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; Về các hành vi cấm; Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…

Theo đó, về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biets, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thống nhất với những quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 8 dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát quy định ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước để bảo đảm phù hợp, không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Có nội dung ưu đãi quy định chung chung, không lượng hóa cụ thể khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng, đề nghị cần rà soát quy định cụ thể các nội dung này.

Về các hành vi cấm; Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn; làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu để phù hợp với thực tiễn hơn; quy định rõ về hành vi cản trở trong đấu thầu; cân nhắc quy định về hành vi “yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá”.

Đối với đấu thầu qua mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, phương thức đấu thầu qua mạng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, bổ sung các chính sách, sự đầu tư của nhà nước để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng. Theo đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định về: Đánh giá năng lực của tổ chức đấu thầu qua mạng để quy định lộ trình phù hợp bắt buộc đấu thầu qua mạng; Chính sách của nhà nước để đầu tư cho mạng đấu thầu quốc gia; Trách nhiệm của các Bộ có liên quan đối với an toàn của mạng đấu thầu quốc gia; Quy định về cơ sở dữ liệu, bảo đảm đấu thầu qua mạng an toàn, hiệu quả, có tính liên thông với các hệ thống khác…

Cổng Thông tin điện tử tiếp tục cập nhật nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Lan Hương - Phạm Thắng