TS.ĐẶNG KIM SƠN: ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

20/09/2022

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, quan tâm đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, TS.Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cho rằng cần có mô hình tăng trưởng mới tạo cơ hội phát triển nông nghiệp, nông thôn hài hòa với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững

Gắn kết xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị

Đóng góp ý kiến về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, TS.Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cho rằng, mục tiêu “xây dựng nông thôn mới” không phải chỉ để tạo ra các hình mẫu để nông thôn cải thiện điều kiện sống mà mục đích chính phải là tạo ra động lực và mở ra cơ hội cho nông thôn phát triển theo kịp mức hiện đại hóa của đất nước. Đích đến cuối cùng là mức sống, điều kiện sống và làm việc của cư dân cả nước phải công bằng trong sự đa dạng và tiếp nối với truyền thống dân tộc. Với mục đích đó, TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, nên phân chia nông thôn ra một số loại hình tương lai chính để quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Cụ thể, TS.Đặng Kim Sơn gợi ý, tại các vùng ven đô, công nghiệp và dịch vụ mạnh, dân số đông thì mục tiêu phát triển nông thôn phải là xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn thành thành phố, nông dân thành thị dân. Đô thị phát triển từ nông thôn phải là đô thị xanh: xây dựng thấp tầng, gắn với vườn và sinh cảnh, tránh “nhà ống hóa”, bê tông hóa.

TS.Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Ở vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn nông nghiệp thì mô hình phát triển nông thôn nên hình thành các cụm dân cư thị trấn - thị tứ (township) phát triển lên từ các làng xã hiện tại để cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống văn minh và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các trang trại. Các cụm dân cư tập trung này gắn liền với các vùng chuyên canh tổ chức sản xuất hàng hóa lớn như vùng trồng cây lương thực, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản, v.v. Cụm có thể tập trung gọn thành khu trên nền làng xã cũ như ở đồng bằng sông Hồng hay cũng có thể chạy dài theo kênh rạch và tập trung ở các điểm giao cắt giao cắt giao thông thủy như ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các vùng xa, vùng sâu, vùng sản xuất nông nghiệp đặc sản, địa phương có lợi thế văn hóa, lịch sử, cảnh quan, gắn với bảo tồn môi trường tự nhiên, phát triển du lịch thì nên xây dựng các khu dân cư tại địa bàn tập trung, an toàn, thuận lợi cho phát triển đời sống văn minh, để duy trì, phát triển văn hóa, cảnh quan làng - bản truyền thống. Đây là vùng phải ưu tiên phát triển và gìn giữ sắc thái nông thôn cổ truyền, từ kiến trúc đến cảnh quan.

Phát triển đô thị lớn gắn bó hài hòa với nông thôn và đô thị địa phương

Để hạn chế bớt xu hướng phát triển thành siêu đô thị, giảm tải cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, cần phân cấp, điều chỉnh lại vai trò, giảm bớt các chức năng của một đô thị thông thường (sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và cư trú dân số dân cư lớn, cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống cho dân cư tại chỗ) để tập trung vào các chức năng quan trọng, có giá trị gia tăng cao (trung tâm hành chính nhà nước, hoạt động ngoại giao, tài chính quốc tế, trung tâm khoa học cơ bản,…). Trừ các khu vực phục vụ du lịch, cần bỏ bớt các nhiệm vụ sản xuất, kể cả của các thành phố thông thường như nông nghiệp đô thị, khu phố sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm dịch vụ đầu ngành như bệnh viện, đại học để chấm dứt cạnh tranh ngang với các địa phương xung quanh.

Cùng với đó, TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, cần phát triển hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm kết nối ra ngoại vi, kết nối đường sắt nội đô và ngoại thành, phát triển đường thủy, hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai, hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm, giãn bớt cư dân ra sống thoáng đãng, xanh đẹp hơn tại các đô thị vệ tinh. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ đời sống chất lượng cao và đưa hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ ra các thành phố bên ngoài. Hà Nội hỗ trợ cho vùng trung du Bắc Bộ, thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vùng Đông Nam Bộ.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Các vùng kinh tế xã hội đa dạng của Việt Nam cần hình thành các thành phố trung tâm làm trung tâm dịch vụ hậu cần toàn vùng nối với các thị trường lớn (sân bay, cảng biển nước sâu, đầu mối đường cao tốc, đường sắt với hệ thống kho tàng, bến bãi, sàn giao dịch); đồng thời là trung tâm khoa học công nghệ (viện nghiên cứu, đại học, dạy nghề) cung cấp giải pháp công nghệ, nhân lực chuyên gia cho các ngành sản xuất chính của vùng. Nếu Hải Phòng làm trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Vinh/Thanh Hóa là trung tâm duyên hải Bắc Bộ, Đà Nẵng là trung tâm duyên hải Nam Bộ, Buôn Mê Thuột là trung tâm Tây Nguyên, Cần Thơ là trung tâm đồng bằng sông Cửu Long thì không chỉ Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng mà 4 vùng khác đều có điều kiện phát triển kinh tế. Đây phải là những thành phố “đáng sống” có hệ thống dịch vụ dân sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng cao thu hút cư dân cao cấp (doanh nhân, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cao cấp) về sinh sống và làm việc lâu dài và thu hút khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức ở các vùng kinh tế.

Theo TS.Đặng Kim Sơn, các thành phố trung tâm vùng lại phân cấp chức năng cho các thành phố tỉnh và đô thị thấp hơn về hành chính, sản xuất, dịch vụ để đô thị hóa toàn quốc. Trong từng vùng, các khu công nghiệp đầu mối và trung tâm dịch vụ gắn sản xuất nguyên, vật liệu với lắp ráp sản phẩm tổng thành, kết nối thị trường. Các khu công nghiệp lớn (chế xuất, công nghiệp cao, công nghiệp chế biến chế tạo), dịch vụ lớn (trung tâm thể thao, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật) được bố trí ở thành phố trung tâm. Dịch vụ phục vụ đời sống phân cấp cho tỉnh (bệnh viện chuyên khoa, đại học tổng hợp, phức hợp văn hóa thể thao).

Đổi mới thể chế tổ chức là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất.

TS.Đặng Kim Sơn cho biết, kinh tế hộ gia đình hiện nay là lực lượng chủ lực của nền kinh tế quốc gia về đóng góp tăng trưởng và tạo ra công ăn việc làm cho lao động. Để mở đường cho nó tiếp tục vươn lên thành doanh nghiệp và giải phóng lực lượng lao động tài nguyên nhân lực khổng lồ của đất nước, con đường hợp lý nhất hiện nay là đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phá triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Kinh nghiệm thế giới cho thấy hợp tác xã là tổ chức tốt nhất cung cấp dịch vụ hỗ trợ, mở đường tiến lên cho kinh tế hộ tự tích lũy phát triển nội lực, tạo đột phá để khởi nghiệp. Hầu hết lao động phi chính thức làm việc trong kinh tế hộ hoặc với cá nhân tự do. Chính thức kinh tế hộ thông qua việc hình thành các hợp tác xã sẽ chính thức hóa lực lượng lao động phi chính thức, cho phép nâng cao năng suất lao động, giải phóng thị trường đất nông nghiệp.

TS.Đặng Kim Sơn nêu rõ, các hiệp hội doanh nghiệp cũng phải đổi mới để thực sự đóng vai trò đại diện cho các doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ phục vụ thành viên. Doanh nghiệp đầu tàu chế biến, lắp ráp thành phẩm, sử dụng sản phẩm trung gian của mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh gia công chi tiết xung quanh. Các doanh nghiệp vệ tinh lại liên kết sử dụng nguyên liệu, phụ liệu của doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị đầu vào. Các hệ sinh thái doanh nghiệp tạo ra môi trường phát triển chuỗi giá trị chuyên ngành. Song song là các dịch vụ cung cấp điện, nước, xử lý môi trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học, trung tâm đào tạo công nhân kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, v.v. phục vụ đời sống công nhân.

Ngoài ra, TS.Đặng Kim Sơn nêu quan điểm, đổi mới tổ chức thể chế phải trở thành mũi đột phá cho đổi mới nguồn tăng trưởng. Doanh nghiệp lớn kết nối, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò mở đường, dẫn dắt kết nối thị trường, phát triển khoa học công nghệ, sau đó nhường lối, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. phát triển hợp tác xã làm đầu tàu để dẫn dắt phát triển kinh tế hộ. Đây cũng là quá trình đổi mới thượng tầng kiến trúc của đất nước trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phải đổi mới sang hướng kiến tạo, các tổ chức đoàn thể cần phát triển theo hướng cộng đồng hóa phục vụ nhân dân.

Minh Hùng