DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2022: ĐỊNH VỊ ĐIỂM NGHẼN, KIẾN NGHỊ NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG

18/09/2022

Chiều 18/9, tại phiên thảo luận toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi đã báo cáo tóm tắt nội dung thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”,

Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội khai mạc "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022"

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi

Tóm tắt nội dung thảo luận chuyên đề 2 về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi nêu rõ các chuyên gia am hiểu sâu về doanh nghiệp về tư vấn hoạch định chính sách kinh tế và những vấn đề xã hội đã chia sẻ, thảo luận nhiều thực tiễn và đề xuất giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy việc làm bền vững.

Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả nhiều điểm nghẽn, khó khăn đã được định vị, nhiều nguyên nhân đã được kiến giải và hệ thống giải pháp nhất quán đã được các chuyên gia, nhà khoa học cùng kiến nghị.

Điểm lại những thông tin trao đổi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, làm phát sinh và bộc lộ nhiều vấn đề xã hội. Ngay khi kiểm soát được tình hình, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc để phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt, đưa ra các giải pháp giúp tạo sức bật cho nền kinh tế. Các chính sách được tính toán kỹ lưỡng, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực thực tế của đất nước và nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của người dân, doanh nghiệp. Sự phục hồi của nền kinh tế không chỉ được thể hiện ở các chỉ số kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, cán cân xuất nhập khẩu, vốn đầu tư mà còn thể hiện ở các chỉ số xã hội như tỉ lệ thất nghiệp, việc làm mới, giảm nghèo…

Toàn cảnh phiên họp toàn thể

Tuy vậy, việc triển khai chính sách trên thực tế còn tồn tại một số vướng mắc như doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt do tiếp cận vốn, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường lao động việc làm còn bất cập, tỷ lệ lao động phi chính thức lớn, có hiện tượng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, mức độ bao phủ của lưới an sinh xã hội chưa đủ lớn.

Tuy chính sách ban hành đúng lúc nhưng điều kiện thực hiện chưa đáp ứng, thủ tục hành chính có lúc còn rườm rà. Một số chính sách được xây dựng chưa sát với thực tiễn.

Đứng trước những khó khăn tác động được nhận diện như trên, các chuyên gia học giả đã kiến nghị nhiều giải pháp.

Một là cần kiểm soát tốt dịch bệnh; đảm bảo sự ổn định vĩ mô đặc biệt là thị trường tài chính, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là những căn cứ quan trọng nhất để các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đạt hiệu lực hiệu quả như mong muốn.

Hai là cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong quy định của luật pháp và hoàn thiện khung khổ pháp lý và tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch, nông nghiệp, logistic, tài chính, bất động sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể

Ba là cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động việc làm hiện đại, liên thông đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hóa lao động phi chính thức, bao phủ lưới an sinh xã hội; triển khai đồng bộ chính sách đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bốn là cần tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế phát triển, đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, tăng cường liên kết vùng, động lực mới.

Năm là tăng tốc và đẩy nhanh, mạnh quá trình số hóa, điện tử hóa hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi nhấn mạnh, để các chính sách thực sự đem lại hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, phục hồi sau đại dịch, không thể thiếu vắng sự đồng hành của doanh nghiệp, thể hiện qua sự năng động, sáng tạo của chính người điều hành doanh nghiệp trong chủ động, tối ưu hoạt động kinh doanh, khai thác tối đa lợi ích của khoa học công nghệ, thương mại điện tử và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảo Yến

Các bài viết khác