DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI): ĐỀ XUẤT BỔ SUNG SÁCH GIÁO KHOA VÀO DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ

18/09/2022

Theo dự kiến Chương trình, tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9 khai mạc ngỳ 19/9 tới đây, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Qua ra soát, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Dự án Luật Giá (sửa đổi) đang trong quá trình chuẩn bị dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

 Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá

Theo cơ quan soạn thảo, Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh Giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế; Qua đó, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế. Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong các quy định tại Luật giá cũng như tại các Luật chuyên ngành có quy định liên quan đến lĩnh vực giá như: biện pháp định giá, biện pháp bình ổn giá, dịch vụ thẩm định giá,...

Do đó, việc sửa đổi Luật Giá là cần thiết nhằm, hoàn thiện thể chế pháp luật về giá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; Khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự  chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá;…

Dự thảo Luật giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều. Theo đó, bố cục Luật sửa đổi về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. So với Luật hiện hành, tại dự án Luật đã bổ sung mới 3 chương, bao gồm: Chương 3 về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước nhằm thể hiện rõ mục tiêu tăng cường phân công, phân cấp, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai công tác quản lý nhà nước về giá; Chương 5 về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương 7 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp

Qua rà soát, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường gồm:

Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh: hiện được quy định tại Luật hàng không dân dụng sửa đổi; qua rà soát cho thấy dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay (như dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ khí tượng) không còn phát sinh trong thực tiễn; dịch vụ soi chiếu an ninh thực tế đã nằm trong trong dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và không cần thiết quy định riêng.

Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Hiện được quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP, là phần gia tăng của dịch vụ công của nhà nước, thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định tại Luật phí, lệ phí, không cần thiết quy định định giá nhà nước.

Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp (trừ dịch vụ do nhà nước cung cấp): Thuộc nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí, lệ phí; Qua rà soát cho thấy nhóm dịch vụ này đã có sự cạnh tranh từ nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ nên không cần thiết phải định giá nhà nước.

Thuốc lá điếu sản xuất trong nước: Được quy định tại Luật giá 2012; qua rà soát cho thấy việc quyết định giá tối thiểu của thuốc lá điếu sản xuất trong nước là nhằm hạn chế tiêu dùng; tuy nhiên, thuốc lá điếu cũng là sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nên việc sử dụng công cụ giá là không còn phù hợp.

Thù lao dịch vụ đấu giá: Được quy định tại Luật Đấu giá; qua rà soát cho thấy dịch vụ đấu giá tài sản có tính tương đồng với một số dịch vụ như kiểm toán, thẩm định giá và có tính cạnh tranh thị trường cao nên áp dụng định giá nhà nước là không còn phù hợp.

Dịch vụ quy hoạch: Được quy định tại Luật Quy hoạch; qua rà soát cho thấy bản chất của vấn đề là việc phải quy định các yếu tố chi phí của việc lập, xây dựng quy hoạch để tính toán, xây dựng dự toán (có tính chất tương tự đối với một số hoạt động khác có sử dụng ngân sách nhà nước) không thuộc phạm vi điều chỉnh của biện pháp định giá nhà nước.

Thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc: Hiện được quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; qua rà soát cho thấy dịch vụ có tính cạnh tranh thị trường cao nên áp dụng cơ chế định giá nhà nước là không phù hợp.

Thù lao công chứng: Được quy định tại Luật Công chứng; qua rà soát cho thấy dịch vụ có tính cạnh tranh thị trường cao nên áp dụng cơ chế định giá nhà nước là không phù hợp.

Cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng: Được quy định tại Luật giá 2012; qua rà soát cho thấy việc xác định giá của dịch vụ này sẽ thực hiện theo phương thức thẩm định giá của nhà nước là phù hợp với bản chất của việc cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản công.

Nước ngầm: Được quy định tại Luật giá 2012; qua rà soát cho thấy hiện mặt hàng được quy định thu tiền sử dụng tại Luật tài nguyên nước, tương đồng với các quy định về thu thuế tài nguyên, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giá.

Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ: Thuộc nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí, lệ phí; qua rà soát cho thấy dịch vụ này không đáp ứng các tiêu chí đề ra đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục định giá nhà nước, đến nay không cần thiết thực hiện theo cơ chế định giá nhà nước.

Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng: Được quy định tại Luật Nhà ở; qua rà soát cho thấy việc quản lý nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng cần có sự thống nhất với việc quản lý giá nhà ở xã hội cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hiện thực hiện theo việc quy định các chi phí, lợi nhuận định mức, phương pháp tính giá là phù hợp, việc quy định khung giá là không phù hợp. Mặt khác mặt hàng này cũng không phù hợp với các tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đề ra tại Luật.

Mặt nước (hiện quy định tại Luật Giá và Nghị định 46/2014/NĐ-CP) và Dịch vụ sử dụng khu vực biển (hiện quy định tại Luật Thủy sản và Nghị định 11/2021/NĐ-CP) cho thấy 2 nội dung này thực tế là cơ chế tài chính đối với việc giao, cho thuê tài sản công (mặt nước, mặt biển là các tài sản công) – tương tự với việc tính tiền cho thuê, sử dụng đất hoặc các tài sản công khác. Do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực giá.

Trên cơ sở đó, tại Điều 70 dự thảo Luật đã quy định về việc sửa đổi, bãi bỏ một số quy định tại các Luật chuyên ngành có quy định về các hàng hóa, dịch vụ này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Đề nghị bổ sung 02 mặt hàng

Đề nghị bổ sung thêm sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá

Bên cạnh đó, căn cứ ý kiến đề xuất của các đơn vị chuyên môn, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung 02 mặt hàng gồm:

Sách giáo khoa: Là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và đào tạo định giá cụ thể.

Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất: tại công văn số 2193/BQP-TC, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung mặt hàng này vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng thì việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.

Như vậy, tổng thể qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 02 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục./.

Lê Anh

Các bài viết khác