ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA SA ĐÉC

17/09/2022

Ngày 16/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà lãnh đạo, viên chức của Bệnh viện cần phản ánh, kiến nghị; đồng thời lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Hội nghị do ông Trần Văn Sáu – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì. Tham gia buổi tiếp xúc có ông Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh; ông Kiều Thế Lâm – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế thành phố Sa Đéc, huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò.

Thông tin tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu cho biết, Kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội với nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Trong đó có dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật này có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, Nhân dân cả nước.

Tại buổi tiếp xúc, bác sĩ Trần Thanh Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cho rằng khó khăn, bất cập nhất trong hoạt động của Bệnh viện hiện nay là việc thực hiện tự chủ về kinh phí hoạt động thường xuyên, do các quy định và hướng dẫn thực hiện hoạt động tự chủ chưa đồng bộ. Cụ thể, thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo bác sĩ Trần Thanh Tùng, mặc dù giao bệnh viện thực hiện tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh còn áp dụng theo giá chung của bệnh viện công; chưa được thực hiện nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền lương vẫn thực hiện theo ngạch, bậc và chưa tạm ứng chi thu nhập tăng thêm; chưa thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động; chưa được quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động, nên chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc kiến nghị

Hệ số lương của nhân viên y tế còn thấp so với các ngành khác (theo thời gian đào tạo); tình hình kinh tế - xã hội hiện nay có nhiều thay đổi tuy nhiên chế độ phụ cấp thường trực cho nhân viên ngành y tế còn thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bệnh viện chỉ tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên, nhưng phải có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất. Là một số bất cập được Giám đốc Bệnh viên nêu rõ tại Hội nghị.

Trước những khó khăn trên, Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; sớm điều chỉnh Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp thường trực cho nhân viên ngành Y tế; xem xét không thu tiền thuê đất đối với tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đối với các hành vi bị nghiêm cấm, nhất là việc quảng cáo thuốc của các thầy thuốc với mục đích thu lợi nhuận, bày tỏ thống nhất nghiêm cấm hành vi này, tuy nhiên xét ở góc độ khác đại biểu cho rằng nguyên nhân xuất phát cũng từ việc tự chủ kinh phí.

Toàn cảnh 

Ngoài ra, đại biểu tập trung cho ý kiến về: hoạt động cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa; y học gia đình; hệ thống tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám, chữa bệnh v.v…

Thông tin làm rõ thêm vấn đề lãnh đạo, viên chức Bệnh viện, Trung tâm Y tế quan tâm, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu cho biết: Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-l9 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo, viên chức Bệnh viện, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của ngành. Đối với các ý kiến đóng góp, kiến nghị Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Khải Hân