ĐOÀN ĐBQH TỈNH LAI CHÂU LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VÀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH “SỬA ĐỔI”

17/09/2022

Sáng 16/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình sửa đổi. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.


Quang cảnh Hội nghị.

Dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra Nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đã bổ sung nhiều điểm mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 6 chương và 91 điều; giảm 1 chương, tăng 17 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

Dự thảo Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với luật hiện hành. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 35 điều, quy định mới 27 điều. Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến nhiều cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân; điều chỉnh, bổ sung chi tiết, đầy đủ, nhiều điểm mới sát với tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu các sở, ban, ngành tham gia ý kiến về Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở và Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình sửa đổi. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra nhiều ý kiến về: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở như chỉ thực hiện luật tại các doanh nghiệp Nhà nước; thống nhất, làm rõ các khái niệm công dân, người dân, bổ sung đối tượng người lao động thực hiện dân chủ cơ sở tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, hình thức công khai thông tin...

Một số ý kiến được thảo luận sôi nổi tham gia góp ý vào các nguyên tắc trong thực hiện dân chủ tại cơ sở... Góp ý điều chỉnh khối doanh nghiệp tại khoản 2 điều 4 luật thực hiện dân chủ ở cơ sở…; nêu ý kiến chính sửa khoản 4 điều 25 điểm a, b về Luật Thực hiện Dân chủ nội dung cần phù hợp, ngắn gọn hạn chế trùng lặp; tại điều 20 điểm c và điểm e có nội dung tương đồng...

Đại biểu huyện Tam Đường tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Với dự thảo Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình sửa đổi, các đại biểu thảo luận về xác định hành vi bạo lực gia đình, làm rõ tiêu chí, khái niệm về lao động quá sức, một số ý kiến về thời gian ra quyết định cấm tiếp xúc, quyền hạn của chủ tịch UBND xã, trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan công an…

Ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đây cũng là căn cứ để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nghiên cứu, tham gia góp ý tại các diễn đàn trong thời gian tới.

(Theo Báo điện tử Lai Châu)