PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: 3 CHỦ ĐỘNG, CẦU THỊ, TÔN TRỌNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN TRONG XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

06/09/2022

Sáng 06/9, tại Nhà Quốc hội, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo về dự án Luật Phòng thủ dân sự, cho biết đây là dự án luật mới, khó, phạm vi rộng, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trong quá trình xây dựng luật bên cạnh tinh thần 3 chủ động: chủ động dự báo, đánh giá – chủ động vào cuộc từ sớm từ xa – chủ động phối hợp chặt chẽ cũng cần cầu thị, tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng và lắng nghe nhau để hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất.

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chủ trì hội thảo. Cùng dự hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện, trường.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hội thảo về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho biết tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự và nhất trí sự cần thiết ban hành Luật để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong hoạt động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về một số nội dung lớn của dự án Luật để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ việc chỉnh lý, thẩm tra dự án Luật.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Qua rà soát có đến 75 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự. Tuy nhiên các quy định hiện nay còn thiếu quy định mang tính chung nhất về phòng thủ dân sự, thiếu tính hệ thống và bài bản trong triển khai các hoạt động từ phòng ngừa (xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch) đến biện pháp ứng phó và xử lý khắc phục hậu quả, chưa phân cấp phân quyền trong triển khai thực hiện các biện pháp, chưa có có cơ sở đánh giá rủi ro phân loại rủi ro từ đó có biện pháp phù hợp, cũng như huy động tổ chức cá nhân tham gia ứng phó khắc phục sự cố…Do đó cần có luật chung về vấn đề này để áp dung chung thống nhất, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc hội thảo

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, góp phần to lớn bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế xã hội. Song thực tế còn những tồn tại, hạn chế đặt ra yêu cầu ban hành Luật để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ thống nhất trong thực hiện. Chính từ lý do đó Quốc hội cũng đã nhất trí đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Khẳng định việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết vừa qua ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 22 về phòng thủ dân sự  và giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội trong xây dựng dự án luật này.

Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật có nhiều quy định về phòng thủ dân sự, quy định mang tính riêng lẻ từng lĩnh vực, một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân quy định ở ở văn bản dưới luật cần quy định trong luật. Nhiều vấn đề quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, thống nhất như quy định về cách ly xã hội, buộc sơ tán, quy định về mô hình thiện nguyện cứu nạn, cứu hộ nhân dân…Một số quy định vướng mắc thực tiễn như mô hình lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả sự cố, quy trình cứu trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai…Từ những lý do trên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ cần ban hành Luật, đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nội dung để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và khả thi, hiệu quả trên thực tiễn.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm rõ một số vấn đề của dự án luật

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi nhiều về nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự, về các quy định thảm họa, sự cố, phân loại, phân cấp độ thảm hoạ, sự cố; về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; về cơ chế chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; chính sách của nhà nước về phòng thủ dân sự, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng thủ dân sự.

Các đại biểu nhấn mạnh nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, xuyên suốt, chi phối đến phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung của dự thảo Luật này, đồng thời bảo đảm tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành và xác định rõ phạm vi, giới hạn điều chỉnh của Luật này. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bám sát quy định về phòng thủ dân sự đã được quy định tại Khoản 1, Điều 13, Luật Quốc phòng. Trong đó xác định “Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh, phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân”.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị cần giải quyết được vướng mắc trong chỉ đạo, chỉ huy xử lý đối với các tình huống thông thường theo quy định của luật chuyên ngành và xử lý các tình huống, cấp độ phòng thủ dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, nêu rõ với tinh thần 3 chủ động: chủ động dự báo, đánh giá – chủ động vào cuộc từ sớm từ xa – chủ động phối hợp chặt chẽ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc tổ chức hội thảo của Ủy ban Quốc phòng - An ninh sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp  thứ 14 vừa qua, bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cách triển khai phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đã khẳng định sự cần thiết xây dựng luật. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để bảo đảm thuyết phục, thảo đáng trước Quốc hội và người dân.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết trách nhiệm tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu tối đa để hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Đồng thời lưu ý do dự án luật mới, khó, phạm vi rộng, ảnh hưởng mọi mặt và liên quan nhiều luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trong quá trình xây dựng luật với tinh thần cầu thị, tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng và lắng nghe nhau để hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục làm rõ khái niệm, rõ phạm vi điều chỉnh bảo đảm yêu cầu không chồng chéo với các văn bản liên quan từ đó có đề xuất thiết kế chính sách phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Cho biết tại phiên họp chuyên đề pháp luât tháng 9/2022 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến Chính phủ, tiến hành thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến - Phạm Thắng