Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013) “Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập” và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện (Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014)“về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Văn hóa được coi là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, làm hài hòa, lành mạnh các quan hệ xã hội. Thực tiễn đã chỉ rõ, văn hóa luôn luôn gắn liền với giáo dục và ngược lại giáo dục cũng song hành với văn hóa. Ngày nay, việc giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên, cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên nguồn nhân lực tương lai của đất nước, góp phần kiến tạo tiền đồ, tương lai của dân tộc.
Trong đó, văn hóa học đường là một điều kiện, môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khơi dậy khát vọng công hiến cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, chỉ thị phê duyệt các đề án, chương trình về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập, gồm: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021, Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/ 2021, Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 và Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Các văn bản nêu trên đã xác định những nội dung và giải pháp xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trụ cột của công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về ngành giáo dục và các ngành, địa phương có liên quan. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, một trong những biện pháp quan trọng là xây dựng trường đại học thực sự trở thành môi trường văn hóa và làm những giá trị, chuẩn mực hành vi văn hóa đó thấm sâu và chuyển hóa thành những phẩm chất và năng lực tốt đẹp trong sinh viên, định hình nên nhân cách sinh viên phù hợp với mục tiêu giáo dục và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết của Đảng.
Trên thực tế, ở các trường đại học hiện nay phần lớn sinh viên vẫn giữ được những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống như: tôn sư trọng đạo, tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập; nêu cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, dám đấu tranh chống lại những tiêu cực; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, tích cực nêu trên, trước sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin qua internet, các mạng xã hội; sự du nhập của các trào lưu văn hóa, quan niệm sống lai căng cùng với sự chống phá, lôi kéo từ hệ tư tưởng thù địch với những sản phẩm mang danh văn hóa, một bộ phận thanh niên, trong đó có sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng chạy theo lối sống thực dụng, xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu ý chí vươn lên. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong sinh viên có chiều hướng gia tăng về quy mô, phức tạp về tính chất, gây nhức nhối cho gia đình, nhà trường và xã hội. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chỉ rõ: “Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo làm cho xã hội lo lắng như sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ăn chơi, nghiện ma túy, tệ nạn xã hộiở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và coi nhẹ các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn”.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc quá tập trung vào việc dạy tri thức, kỹ năng mà ít chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực cho học sinh, sinh viên. Điều này chứng tỏ kết quả giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường chưa đạt được như mong muốn.
Ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường là một bộ phận của công tác tư tưởng, đạo đức. Định hướng và chuẩn mực của nó phải phù hợp với lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuân thủ pháp luật của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa học đường trong trường đại học là điều kiện để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng, để đào tạo ra những sinh viên có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của thị trường lao động trong kỷ nguyên số nền sản xuất của con người đạt đỉnh cao của sự thông minh, với các ứng dụng kỹ thuật sáng tạo không ngừng, với nền tảng công nghệ số, với mạng lưới internet của vạn vật và trí tuệ nhân tạo xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn.
Từ thực tiễn triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực tiễn công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã tham góp một số định hướng, kế hoạch triển khai thực hiện công tác này.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa trong gia đình thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng chuyên mục “Giáo dục đời sống gia đình” định kỳ trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương; ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộivề giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, tăng cường sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương, cộng đồng dân cư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của học sinh, sinh viên. Thành lập và duy trì các câu lạc bộ sở thích về văn hóa - nghệ thuật, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị và tổ chức các hoạt động phù hợp với lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; phối hợp với các tổ chức, cá nhân để xã hội hóa các hoạt động tại thiếtchế văn hóa, thể thao cơ sở.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục thể chất, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọngcủa môn giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học. Hằng năm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân gắn với triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nhằm kích lệ tinh thần tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên lựa chọn môn thể thao, hình thức luyện tập thể thao phù hợp, duy trì nề nếp, thói quen thường xuyên vận động thể lực để nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và phòng chống bệnh tật; phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao và các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch phát triển các môn thể thao trong nhà trường; đồng thời hỗ trợ đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thể dục thể thao cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm tạo điều kiện cho các trường học lựa chọn các môn thể thao phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát triển phong trào và các em học sinh có cơ hội tự chọn các môn thể thao yêu thích để được tập luyện và kiểm tra, đánh giá kết quả môn học giáo dục thể chất; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở đào tạo, trường học bám sát mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học một cách linh hoạt, phong phú, hấp dẫn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với độ tuổi, thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy, người học, nâng cao chất lượng, hiệu quả môn giáo dục thể chất; phối hợp hướng dẫn các cơ sở đào tạo, trường học sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích việc kết với âm nhạc phù hợp làm “nền” tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao; đồng thời khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn, các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tổ chức các giờ học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa sinh động và hiệu quả; phối hợp, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục thể chất, hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa và hằng năm tổ chức kiểm tra,đánh giá chất lượng giáo dục thể chất trong các trường học; tăng cường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể thao phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học, cụ thể: phối hợp với ngành Giáo dục, Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương các cấp quan tâm dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các cấp học và trình độ đào tạo…
Cùng với đó, tiếp tục triển khai Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025. Ứng dụng hiệu quả thành tựu chuyển đổi số trong công tác xây dựng văn hóa học đường đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tăng cường phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch; ứng dụng hiệu quả thành tựu chuyển đổi số trong công tác xây dựng văn hóa học đường đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, môi trường văn hóa có tác động qua lại, tương hỗ với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, để hoạt động dạy và học đạt đến mục đích phát triển toàn diện nhân cách người học, không thể không xem xét xây dựng môi trường văn hóa nhà trường. Để góp phần đưa nghị quyết của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa vào đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đời sống, chúng ta cần xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong trường học; Quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường; xây dựng quy chế, nội quy hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh; tăng cường hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cả ở chương trình đào tạo chính thức và ngoại khóa; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn đầu tư từ vốn xã hội hoá, nâng cao vai trò tham gia hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, cần xem sự tham gia của người học là một phần tất yếu của xây dựng môi trường văn hóa. Đây chính là các gợi mở chính sách có khả năng thúc đẩy xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước./.