CẦN RÀ SOÁT, KIỂM TRA VIỆC SẮP XẾP, QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG LÀ CÁC CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT

30/08/2022

Nhằm cải thiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công an, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cho rằng cần rà soát, kiểm tra việc sắp xếp, quản lý tài sản công là các cơ sở nhà, đất, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp

Đại diện Bộ Công an báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”

Tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với khối ngành tư pháp về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đại diện Bộ Công an cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 7/12/2015 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, điều tra, xử lý vụ án, vụ việc về tham nhũng”. Chỉ thị số 04 ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", kết luận của của Ban chỉ đạo TW về PCTN tại các Phiên họp, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và thu hồi tài sản thiệt hại, thất thoát.

Cùng với đó, đại diện Bộ Công an đề nghị nghiên cứu ban hành quy định để tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; phòng chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các Tổng công ty, tập đoàn kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và dưới 100% vốn Nhà nước và các công ty con, công ty “cháu” có vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước để phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để các đối tượng thực hiện hành vi “thâu tóm”, làm giá gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp Nhà nước.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tham gia thảo luận về việc tăng cường hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Công an, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, phòng ngừa thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, kiến nghị cơ quan có thẩm quyển sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý, sử dụng tài sản công, mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để phòng ngừa các hành vi phạm tội trong quá trình hoạt động.

Đối với việc sắp xếp, quản lý tài sản công là các cơ sở nhà, đất, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng Bộ cần quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 167/2017/NĐ-CP; kịp thời rà soát và phát hiện các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; trong đó chú trọng đến thủ tục pháp lý, xác định giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần thống nhất quy định về hành vi tham nhũng trong quy định của Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu sửa đổi Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về công tác kê biên, phong tỏa tài khoản theo hướng: quy định linh hoạt thời điểm áp dụng và mở rộng đối tượng áp dụng. Khi cơ quan tố tụng kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án thì có sự tham gia của cơ quan Thi hành án dân sự tại nơi có tài sản kê biên phối hợp, xử lý; Sửa đổi Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng, hoặc ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện theo hướng linh hoạt trong xác định thời điểm xử lý vật chứng, nhất là đối với vật chứng là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản, số lượng đặc biệt lớn, chi phí tốn kém để cất giữ, bảo quản thì có thể xử lý ngay trong giai đoạn điều tra hoặc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Các đại biểu tham gia thảo luận ý kiến tại cuộc làm việc

Các chuyên gia thành viên Đoàn giám sát kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các sai phạm để giải quyết sớm; tập trung giám sát những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như: hoạt động quản lý sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, xây dựng cơ bản từ vốn nhà nước, hoạt động tín dụng; đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhất là những vụ việc có liên quan đến cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất; đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng còn tồn đọng. Hoàn thiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp: Bổ sung các quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam, tăng cường chia sẻ thông tin, thu hồi tài sản tham nhũng. Hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định thẩm quyền của Thanh tra viên, Kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu có căn cứ xác định có dấu hiệu tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về hồ sơ ngân hàng, tài chính, thương mại có liên quan đến người bị thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần thiết phải xây dựng Quy định về chế độ đối với cán bộ cảnh sát làm công tác điều tra tội phạm tham nhũng, có chế độ trích lại một phần từ thu hồi tài sản tham nhũng để hỗ trợ kinh phí hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân.

Hồ Hương